(HNM) - Đến thời điểm này, kỳ thi tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn; các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội năm 2019 đã gần hoàn tất.
Tín hiệu chung từ các địa phương, ban, ngành và phản hồi của chính những người dự thi cho thấy, đây là kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, công khai và an toàn. Cách thức tuyển dụng hai vòng, trong đó có thi trắc nghiệm khách quan trực tiếp trên máy tính; chấm thi cũng có nhiều điểm mới so với trước. Vì thế, số lượng công chức được tuyển dụng thấp hơn so với số định biên nhưng “điểm chuẩn” không hạ, không “tuyển vớt” để bảo đảm chất lượng.
Có nhiều biện pháp đánh giá, lựa chọn, tuyển dụng cán bộ, nhưng thi tuyển là phương thức khả thi, khách quan hàng đầu giúp bảo đảm chất lượng ngay ở khâu “đầu vào”. Đây chính là tiền đề thuận lợi, có tính quyết định để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Sau khi có một đội ngũ công chức chất lượng thì việc sử dụng đúng vị trí việc làm, tạo điều kiện để người lao động cống hiến, phát huy kiến thức vào thực tế công việc cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém. Điều này đòi hỏi trước hết là trách nhiệm nêu gương, “dụng nhân như dụng mộc” của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động.
Sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc phát triển của Thủ đô, trong đó đào tạo, bồi dưỡng, trang bị và cập nhật kiến thức là những việc đặc biệt quan trọng. Công tác này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, trang bị kiến thức toàn diện cho cán bộ để có năng lực đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Cùng với đó, việc kiểm tra, đánh giá hằng tháng, quý và năm cũng cần được thực hiện nghiêm túc, giúp đội ngũ công chức mới được tuyển dụng rút kinh nghiệm những việc làm chưa tốt, mạnh dạn đề xuất cải tiến quy trình công tác sao cho khoa học và hiệu quả hơn.
Với bản thân mỗi công chức mới được tuyển dụng, ngoài việc thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn cũng phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện về đạo đức, phẩm chất để xứng đáng là “công bộc” của nhân dân. Cần phải xóa bỏ tâm lý đã là công chức thì vĩnh viễn là “người nhà nước” từ đó thui chột ý chí phấn đấu, trở thành người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân và thời cuộc.
Về phía các cơ quan của thành phố, trên cơ sở thực tiễn cần tiếp tục kiến nghị với cấp trên hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo động lực để đội ngũ công chức yên tâm gắn bó với công việc, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Trước hết, cần hoàn thiện cơ chế tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng công chức; gắn trách nhiệm với quyền hạn, quyền lợi với nghĩa vụ. Tiếp tục nghiên cứu cải tiến chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo đảm cho công chức có thể sống và sống tốt bằng thu nhập chính đáng của mình.
Trên cơ sở bảo đảm đầy đủ các quyền và lợi ích chính đáng của công chức, các cấp ủy, người đứng đầu vừa động viên, khuyến khích, vừa yêu cầu từng công chức phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công việc, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”... Lời dạy của Người vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và các cơ quan hữu trách, mỗi cán bộ phải luôn ghi nhớ, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.