Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thước đo chuẩn mực cán bộ ở đâu?

Thế Phương| 14/08/2014 05:29

(HNM) - Vụ 40 học viên tại Thanh Hóa "đóng" số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng cho cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) của tỉnh này để "chống trượt" cuộc thi đầu vào lớp Cao học quản lý kinh tế (Trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) một lần nữa đã gây hoang mang lo lắng trong dư luận về những câu chuyện liên quan đến bằng cấp hiện nay.



Dù rằng cơ quan trách nhiệm đã vào cuộc, án kỷ luật đã được đưa ra... nhưng vấn đề không dừng lại ở chuyện về những hành vi tiêu cực bị bại lộ như thế nào, việc xử lý trách nhiệm ra sao mà đáng nói hơn là chuyện học giả bằng thật, chuyện tuyển dụng cán bộ gắn với tâm lý sính bằng cấp trong xã hội...

Vụ việc tiêu cực tại TTGDTX Thanh Hóa bị phơi ra khi kết quả thi không đạt như mong muốn. Tiền của bỏ ra hóa "công cốc, công cò", nhiều người kéo đến trung tâm đòi lại tiền. Vụ việc vỡ ra, loang nhanh trong dư luận, "nuốt" không trôi số tiền "chống trượt", các cá nhân liên quan chấp nhận..." khắc phục hậu quả" (trả lại tiền). Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, TTGDTX kỷ luật cảnh cáo ông Bùi Sĩ Hồng - Trưởng phòng QLĐT và bà Lê Thị Liên - cán bộ Phòng QLĐT; khiển trách ông Lê Trọng Sơn - Phó Trưởng phòng QLĐT (những người trực tiếp liên quan đến vụ việc). Việc kiểm điểm cá nhân có sai phạm là một chuyện, nhưng vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, đặc biệt khi có những thông tin cho rằng chuyện "chống trượt" nêu trên tại trung tâm không phải là trường hợp cá biệt. Tóm lại, dư luận mong muốn các cơ quan có trách nhiệm xử lý triệt để vụ việc "chống trượt" không tái diễn.

Từ vụ "chống trượt" nêu trên có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi: Nếu điểm trường tổ chức kỳ thi cao học không chặt chẽ trong công tác tuyển sinh, liệu vụ việc "bôi trơn" đầu vào cao học tại TTGDTX tỉnh Thanh Hóa có bị phát giác? Tại sao 40 học viên, trong đó có nhiều người là cán bộ nhà nước làm việc tại huyện, thị và sở, ban, ngành trong tỉnh lại phải nộp tiền "chống trượt"? Chuyện "chống trượt" nêu trên có liên quan gì đến quan niệm lấy bằng cấp làm thước đo năng lực và trở thành nấc thang danh vọng tại nhiều cơ quan nhà nước hiện nay?...

Rất nhiều học giả đã phản ứng gay gắt trước tình trạng đào tạo sau đại học một cách tràn lan. Bởi lẽ không phải ai cũng thật sự có nhu cầu học tập để nâng cao tri thức, thực tế với không ít người, tấm bằng thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ chỉ sử dụng trong việc đua tranh vị trí tiến thân. Điều này không chỉ gây lãng phí trong xã hội mà còn dẫn tới tình trạng người học lấy bằng thì nhiều nhưng chất lượng chuyên môn của thạc sĩ, tiến sĩ lại có dấu hiệu càng ngày càng giảm. Đáng buồn là cái "sự học" như vậy lại đang được không ít cơ quan nhà nước cổ vũ qua việc đề cao bằng cấp trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Một nhà quản lý và cũng là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nhận định: Các cơ quan nhà nước cứ phải bằng đẹp mới lọt cửa, không đánh giá được người thực sự có khả năng và người chỉ có cái bằng... - Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ.

Vụ việc như tại TTGDTX tỉnh Thanh Hóa chỉ là phần nổi, "chống trượt" đã tràn lan và chuyện "học giả, bằng thật" cũng như tâm lý sính bằng cấp đã trở thành thực trạng đáng báo động. Hiện nay chưa có thước đo chuẩn mực để đánh giá tỷ lệ giữa bằng cấp và hiệu quả công việc. Nhưng có lẽ không khó để so sánh người có năng lực thật sự với người có bằng cấp nhưng lại yếu kém về chuyên môn. Vấn đề là các nhà tổ chức cần đổi mới trong nhìn nhận, đánh giá, tuyển chọn, bổ nhiệm... để cán bộ công chức học thật, có trình độ thật chứ không phải bằng mọi giá để có bằng cấp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thước đo chuẩn mực cán bộ ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.