Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Đình Hiệp| 27/09/2022 11:48

(HNMO) - Sáng 27-9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến để lấy ý kiến đối với Dự thảo “Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19”.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ đến các địa phương trong cả nước. Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Cả nước ghi nhận hơn 43.000 người tử vong do Covid-19

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021, Quốc hội khóa XV, dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay đã trải qua 4 đợt bùng phát với quy mô lây lan đợt sau phức tạp hơn đợt trước. Tính đến ngày 11-9-2022, cả nước ghi nhận 11.439.613 ca mắc, trong đó có 10.322.003 người khỏi bệnh và 43.129 người tử vong.

Đến nay, tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng; số ca mắc giảm và giảm mạnh tỷ lệ chuyển nặng và tử vong.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch Covid-19. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả trong tình mới, Chính phủ kiến nghị Quốc hội 3 nhóm nội dung quan trọng.

Trong đó, cho phép kéo dài thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 do ảnh hưởng của dịch bệnh và để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc ổn định trên thị trường; đồng thời, bảo đảm có đủ số thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp sau năm 2022.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 đã thành lập và đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động theo yêu cầu thực tiễn.

Việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục áp dụng để bảo đảm ổn định quyền lợi của người bệnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan tại điểm cầu Hà Nội.

Hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát biểu bày tỏ sự nhất trí cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch; thể hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan ban hành hơn 40 chỉ thị và công điện, cùng nhiều văn bản chỉ đạo khác liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt, Hà Nội đã triển khai nhiều nghị quyết đặc thù, trong đó hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp làm nhiệm vụ chuyên môn tại các cơ sở. Trong thời gian chống dịch, Hà Nội đã bổ sung một số chế độ chi đặc thù với mức hỗ trợ thêm 70% đối với lực lượng tuyến đầu.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn liên quan đến công tác huy động hệ thống y tế tư nhân; mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc; mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin; bổ sung kinh phí thực hiện công tác xét nghiệm; đặt hàng xét nghiệm…

Từ thực tiễn trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-4-2014 của Chính phủ giao Thủ trưởng các cơ sở y tế chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán mua sắm đối với danh mục thuốc đấu thầu tại cơ sở; xem xét, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2. Hà Nội cũng đề nghị hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc.

“Trong một số tình huống dịch bệnh khẩn cấp, cần mua sắm một số lượng lớn trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc trong khoảng thời gian rất ngắn. Vì vậy, Bộ Y tế cần xây dựng nguồn dự trữ quốc gia để kịp thời cấp phát cho các địa phương. Sau khi hết dịch, trang thiết bị có thể được thu hồi hoặc điều tiết trong hệ thống y tế toàn quốc, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Y tế cũng cần báo cáo Chính phủ xem xét, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng kiến nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến. Ảnh chụp màn hình

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho người dân

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dịch Covid-19 xảy ra và bùng phát nhanh chưa có tiền lệ, gây tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Là một quốc gia đang phát triển nên hệ thống hạ tầng y tế cơ sở của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Trước thực tế đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã luôn chủ động bám sát tình hình thực tiễn để đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả và kịp thời góp phần vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch.

Cho rằng tình hình dịch vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và chưa quốc gia nào trên thế giới công bố hết dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết số 30/2021/QH15 đối với công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Từ thực tiễn triển khai tại các địa phương thời gian qua còn nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện Báo cáo cần tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các địa phương. Trong đó, cần làm rõ các khó khăn vướng mắc về thể chế cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là đề cao việc phân cấp, phân quyền và rõ trách nhiệm khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo quy định thì Nghị quyết số 30/2021/QH15 sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 31-12-2022. Vì thế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các chính sách, quy định phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 cần có thời gian chuyển tiếp để duy trình thành quả chống dịch, bảo đảm tính liên tục, tránh gián đoạn các cơ chế, chính sách tác động đến người dân, doanh nghiệp và hệ thống y tế trong điều kiện dịch vẫn tiềm ẩn nguy cơ.

Nhất trí với các nhóm kiến nghị của Chính phủ với Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương tăng cường công tác dự báo để thực hiện việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch hiệu quả, tránh lãng phí không cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.