(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài đường, tránh tiếp xúc nơi công cộng nên sử dụng nhiều giao dịch, thanh toán điện tử. Vì vậy, thời điểm này được cho là cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.
Mục tiêu tổng quát của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 là làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và trên tổng phương tiện thanh toán...
Tuy nhiên đến nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp trong khu vực. Kết quả khảo sát thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại 6 quốc gia ASEAN (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Việt Nam) do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) thực hiện cuối năm 2019 cho thấy, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam chiếm 79%.
Dù vậy, hiện nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đang gia tăng nhanh bởi người dân đẩy mạnh giao dịch trực tuyến trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Chị Nguyễn Minh Hoa (ngõ 43, đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Trước đây, tôi chưa từng mua sắm hay thanh toán trực tuyến. Thẻ ATM chỉ dùng cho việc duy nhất là rút tiền mặt. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, tôi đã đăng ký dịch vụ E-banking của ngân hàng, làm quen với việc mua sắm và thanh toán điện tử. Những ngày qua, gia đình tôi hạn chế triệt để việc ra khỏi nhà để phòng bệnh. Khi có nhu cầu mua các đồ dùng thiết yếu, tôi đặt qua kênh mua sắm trực tuyến của siêu thị".
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, đầu tháng 3-2020, Cục đã khảo sát 20 website và sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, tỷ lệ đơn đặt hàng trên các sàn này tăng mạnh. Loại hình hàng hóa liên quan đến thiết bị y tế như khẩu trang, nước rửa tay khô được giao dịch nhiều nhất, tỷ lệ đơn đặt hàng tăng khoảng 80%-100% so với trước. Bên cạnh đó, các đơn đặt hàng liên quan đến dịch vụ ăn uống cũng tăng cao, khoảng 70%.
Nhiều ngân hàng cũng khuyến khích người dân giao dịch điện tử. Theo Giám đốc Ban Phát triển ngân hàng bán lẻ (Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) Nguyễn Mai Khanh, ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích giao dịch điện tử, như tặng 100% phí giao dịch trên BIDV SmartBanking, BIDV Online cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ.
Chưa kể, nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và người dân trong việc ứng phó với dịch Covid-19, sau khi Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính, các ngân hàng liên tiếp miễn hoặc giảm phí chuyển tiền qua mạng cho khách.
Về thanh toán dịch vụ công, theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Tiến Dũng, đến cuối năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 kho bạc nhà nước địa phương đáp ứng được nhu cầu chi tiêu ngân sách của các đơn vị nhanh chóng và kịp thời. Đây là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của cả nước.
Đáng chú ý, đã có khoảng 99% doanh nghiệp kết nối với ví điện tử, 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện. Hơn 30 bệnh viện đã kết nối thanh toán, trong đó một số bệnh viện đã đạt tỷ lệ 35% số lượng thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.