(HNM) - Một tuần qua, khán giả Thủ đô được lắng nghe, trải nghiệm những tác phẩm sống động, bất ngờ, táo bạo của các nghệ sĩ Việt Nam và thế giới tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III - Hà Nội 2016.
Đa dạng phép thử
Trở lại sau 10 năm vắng bóng, LH có sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật của Đức, Panama, Nhật Bản, Hy Lạp, Trung Quốc, Pháp, Philippines và 8 đơn vị trong nước - được chọn từ 58 vở diễn đăng ký tham dự. Đạo diễn người Singapore Chu Soo Pong - thành viên Ban Giám khảo chia sẻ: “LH này là sự kiện tuyệt vời nhất mà tôi từng tham gia, bởi ở đây có sự đa dạng, mới mẻ mà các nghệ sĩ quốc tế mang đến”.
Rạp Đại Nam gần kín chỗ trong buổi giới thiệu vở kinh kịch Ramayana của Trung tâm Kinh kịch Hà Nam (Trung Quốc).Ảnh: Đức Triết |
Khán giả Việt Nam và giới nghề đã tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi trải nghiệm sự khác biệt so với trước đây. Vở diễn mở đầu “Con thuyền không trôi mãi” của Panama “mang tính thời sự” như lời PGS.TS Phạm Duy Khuê, khi đề cập về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được cả thế giới quan tâm. Đoàn Hy Lạp giới thiệu “Tôi nhớ” - vở diễn không kịch bản, hoàn toàn là sự tương tác giữa diễn viên và khán giả. “Khách sạn thiên đường” của Đức như tác phẩm không lời, một diễn viên thể hiện nhiều vai bằng cách đeo mặt nạ, lối diễn tinh tế đến tận cùng đã làm nên một tác phẩm xuyên biên giới…
Có điểm trùng lặp về tư tưởng nghệ thuật, mục đích nhưng mỗi đoàn lại có một cách thử riêng, như nhà viết kịch Lê Quý Hiền nói thì điều quan trọng là họ đã đem lại nét mới cho khán giả nhờ cách kết hợp chưa từng thấy. Chẳng hạn, tác phẩm kinh điển “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam là sự kết hợp chất kịch với múa dân gian Xuân Phả. “Mối tình trong sáng” của Philippines phỏng theo chuyện tình kinh điển Romeo và Juliet do Đại văn hào Shakespears viết, nhưng được diễn theo cách của người Philippines: Đưa điệu múa đặc trưng ở miền Nam nước này vào, hài hòa mà vẫn tạo ra sự khác biệt. Vở "Ramayana" của Đoàn Nghệ thuật kinh kịch Hà Nam (Trung Quốc) có sự kết hợp giá trị tinh hoa cổ điển của Trung Quốc và Ấn Độ…
Một số vở diễn khác đưa ra cách thử nghiệm lạ, như một diễn viên sắm nhiều vai, hiện đại hóa lời thoại cổ, kết hợp văn hóa phương Đông và phương Tây… Có thể thấy, các vở diễn của nước bạn đưa ra một cách nhìn mới về sân khấu, đúng nghĩa thử nghiệm. Các vở của Việt Nam, như nhận xét của nhà phê bình sân khấu Văn Thành, thường được thử nghiệm bằng cách kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật sân khấu, như kịch nói với múa rối, tuồng, chèo, hát xẩm…
Tiếp thu tinh hoa để đổi mới
Đổi mới sân khấu nước nhà là yêu cầu cấp thiết. Trước sức hút của nhiều loại hình giải trí, làm sao để khán giả bỏ thiết bị công nghệ cao xuống và đến các nhà hát để say sưa khóc cười với nhân vật sân khấu?
Câu hỏi ấy được các đơn vị nghệ thuật Việt Nam cố gắng tìm cách trả lời trong nhiều năm qua, thông qua các hoạt động thử nghiệm. Có những bước đi không tới, chưa thành, vở diễn vắng khán giả ngay từ ngày ra mắt. Có những phép thử đã thành công, cần được phát huy. Và ở LH này, theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - NSND Lê Tiến Thọ, mục đích chính được đặt ra là tạo cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các nghệ sĩ trong và ngoài nước về những khuynh hướng đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật. Với giới làm nghề Việt Nam, yêu cầu là tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho sân khấu nước nhà, đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Đạo diễn Alain Destandau, Giám đốc Nhà hát Monte - Charge (Pháp) cho rằng, việc tìm tòi, thử nghiệm là điều hết sức bình thường đối với bất cứ người làm sân khấu nào, có thể chỉ là cải tiến, có thể là phá vỡ không gian xưa cũ để tạo ra một loại hình mới. Hôm nay thử nghiệm là mới, nhưng ngày mai đã thành cũ; hoặc với người này, nơi này là lạ lẫm nhưng ở nơi khác thì đã được sử dụng lâu rồi.
Có thể hiểu được những gì mà vị đạo diễn người Pháp muốn nói. Như cách diễn không lời thoại, sử dụng mặt nạ là không mới đối với thế giới, nhưng khán giả Việt Nam đã rất thích thú khi xem vở “Khách sạn thiên đường” của Đức được xây dựng theo cách đó. Nhà hát Galaxy Star khiến công chúng Việt Nam choáng ngợp với show nghệ thuật giải trí tổng hợp công nghệ cao “Ionah”... Đó hẳn là sự gợi mở về loại hình sân khấu hướng tới đối tượng khán giả riêng.
Về câu hỏi chúng ta học hỏi, tiếp thu được gì qua LH, nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhận định: “Đó là sự sáng tạo, lao động đến tận cùng trong nghệ thuật, biết sử dụng những lợi thế của bản thân, của địa phương để xây dựng tác phẩm khác biệt, biết thử những điều chưa bao giờ có; nếu thử nghiệm thành công thì tiếp tục, nếu chưa hiệu quả thì tìm hướng khác”.
Chiều 19-11, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III - Hà Nội 2016 đã khép lại và trao giải cho những nghệ sĩ, tác phẩm xuất sắc. Kết quả, có 3 vở được tặng HCV là “Chim hải âu” (Nhật Bản), “Ramayana” (Trung tâm Kinh kịch tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), “Dưới cát là nước” (Nhà hát Kịch nói Quân đội). 4 vở đoạt HCB là “Mê Đê” (Nhà hát Thế giới trẻ), “Khách sạn thiên đường” (Đức), “Giấc mơ” (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B), “Mối tình trong sáng” (Philippines). Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 29 HCV và 27 HCB cho các diễn viên xuất sắc. Thụy Du |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.