Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Israel N.Bennett thăm UAE: Dấu mốc lịch sử

Thùy Dương| 15/12/2021 06:47

(HNMO) - Trong 2 ngày, từ ngày 12 đến 13-12, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã tới thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng N.Bennett tới quốc gia vùng Vịnh kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm ngoái nhằm thúc đẩy quan hệ song phương được nhận định là dấu mốc lịch sử đối với Israel và UAE.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett (trái) và Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan trong cuộc hội đàm tại thủ đô Abu Dhabi, UAE.

Theo Đài CNBC, UAE và Israel đã ký Hiệp định Abraham vào tháng 8-2020, do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump làm trung gian. Hiệp định này đánh dấu lần đầu tiên bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một quốc gia vùng Vịnh.

Kể từ đó, Israel và UAE đã có các quan hệ đối tác thương mại, du lịch, công nghệ và vận tải trị giá hàng tỷ USD. 7 tháng của năm 2021, thương mại song phương giữa hai nước đạt hơn 600 triệu USD. Quân đội hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung. UAE cũng thành lập một quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD cho các dự án ở Israel.    

Nhận định về sự ấm lên của mối quan hệ trong một năm qua, Thủ tướng N.Bennett cho rằng: "Chỉ trong một năm kể từ khi bình thường hóa, chúng tôi đã thấy tiềm năng phi thường của quan hệ đối tác Israel - UAE. Tuy chỉ là bước khởi đầu nhưng đây là bằng chứng cho thấy việc phát triển quan hệ song phương là một kho tàng quý giá đối với hai nước và trong khu vực”.

Do đó, trong cuộc hội đàm ngày 13-12 vừa qua, Thủ tướng N.Bennett và Thái tử UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã tập trung thảo luận các lĩnh vực hợp tác bao gồm năng lượng, thương mại và quốc phòng, đặc biệt là các vấn đề kinh tế nhằm tăng cường lợi ích chung.

Ngoài việc tăng cường hợp tác song phương với UAE, thời điểm chuyến thăm của nhà lãnh đạo Israel còn liên quan đến “sự bế tắc trong các cuộc đàm phán Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA - thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015) đang làm tăng nguy cơ xung đột với Iran”.

Ông Samuel Ramani, trợ giảng Quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford cho biết, Israel và UAE từ lâu đã chia sẻ mối quan ngại về chương trình hạt nhân của Iran. Israel coi Iran là kẻ thù lớn nhất của mình và nước này phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tel Aviv muốn có một thỏa thuận được cải thiện nhằm đưa ra những hạn chế chặt chẽ hơn đối với chương trình hạt nhân và giải quyết chương trình tên lửa tầm xa của Iran.

Thủ tướng N.Bennett đã kêu gọi tạm dừng các cuộc đàm phán và cáo buộc Iran sẽ sử dụng bất kỳ khoản thu nào từ việc giảm trừng phạt để tăng cường kho vũ khí quân sự có thể gây hại cho Israel.

Trong khi sự nghi ngờ về tham vọng khu vực của Iran là một trong những mối quan tâm chung khiến các nước phải tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, UAE gần đây đã báo hiệu sẵn sàng giảm bớt căng thẳng với Tehran. Một quan chức an ninh hàng đầu của UAE đã có cuộc gặp trong tháng này với ông Ebrahim Raisi - Tổng thống mới của Iran theo đường lối cứng rắn, để thu hẹp bất đồng giữa các bên.

Thực tế, Israel coi UAE là một phần quan trọng trong quá trình tiếp cận với các đồng minh vùng Vịnh. Dưới thời Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, UAE đã bắt tay vào việc mở rộng nhanh chóng các lực lượng quân sự để chống lại những gì họ coi là mối đe dọa từ Iran.

Thế nên, theo các nhà phân tích, mối đe dọa từ Iran là động lực chính dẫn đến sự hợp tác không chính thức giữa Israel và UAE cách đây một thập kỷ và chuyến thăm của nhà lãnh đạo Israel tới UAE nhằm bảo đảm rằng họ vẫn là một đối tác tin cậy của UAE .

Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ của Israel với UAE và một số quốc gia Arab đã thiết lập một “cấu trúc mới, vững chắc cho các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa” ở Trung Đông.

Hơn thế, sau chuyến công du thành công đến Abu Dhabi, Thủ tướng N.Bennett đã đạt được “vòng nguyệt quế” về chính sách đối ngoại khi củng cố mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Israel và các nước của thế giới Arab.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Israel N.Bennett thăm UAE: Dấu mốc lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.