Thế giới

Chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ: Thay đổi bức tranh thương mại toàn cầu

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 03/04/2025 - 10:24

Chính sách thuế quan đối ứng được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 3-4 được dự báo sẽ tạo ra những thay đổi chưa từng có tiền lệ, thay đổi hoàn toàn bức tranh thương mại toàn cầu.

Động thái “gây sốc”

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt thuế quan mới nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, với mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu, kèm mức thuế cao hơn đối với một số đối tác thương mại có “hàng rào” thuế cao đối với hàng hoá Mỹ. Trong danh sách này, Trung Quốc phải đối mặt với mức thuế 34%, Ấn Độ 26%, Liên minh châu Âu (EU) 20%, và Nhật Bản 24%....

trump_03.jpg
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh về thuế quan đối ứng. Ảnh: The Economist.

Như vậy, thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc, nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, sẽ tăng lên 54%, bao gồm cả mức thuế 20% mà Washington đã áp dụng đối với quốc gia châu Á này hồi đầu năm. Con số này có thể còn tăng lên đáng kể nếu Mỹ áp thêm các khoản thuế nhắm vào những nước mua dầu của Venezuela.

“Ngoại lệ” lần này là các sản phẩm dược, linh kiện bán dẫn, gỗ xẻ, vàng thỏi, năng lượng và một số loại khoáng sản không có sẵn tại Mỹ.

Theo Tổng thống Mỹ, thuế mới đối với hàng hóa vào Mỹ là một cách để "giải phóng" nền kinh tế, tăng ngân sách cho chính quyền liên bang nhằm tạo tiền đề cho việc giảm thuế và hồi sinh nền sản xuất trong nước. "Đối mặt với cuộc chiến kinh tế không ngừng nghỉ, Mỹ không thể tiếp tục chính sách đầu hàng kinh tế đơn phương", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh trong phát biểu khi công bố chính sách thuế mới.

Tác động tới nước Mỹ

Không thể phủ nhận mặt tích cực tiềm năng của chính sách thuế mới mà Washington triển khai đối với nước Mỹ. Chủ tịch Liên minh Sản xuất Mỹ Scott Paul hoan nghênh thuế mới, nhấn mạnh đây là giải pháp ưu tiên các nhà sản xuất trong nước và người lao động Mỹ.

Tuy nhiên, bà Lori Wallach - Giám đốc Rethink Trade - cho rằng, lợi ích đối với nhà sản xuất Mỹ cần được củng cố bằng các khoản tín dụng thuế để kích thích nhu cầu đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất, đồng thời khuyến khích đầu tư vào năng lực sản xuất mới. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cần đảm bảo lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ hưởng lợi từ thuế quan mới được chia sẻ hài hoà cho người lao động.

Về phần mình, chuyên gia Chris Zaccarelli tại Công ty quản lý tài sản Northlight Asset Management kỳ vọng, thuế mới sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng, giúp Washington có được những cuộc đàm phán thương mại thuận lợi hơn, mang lại lợi ích cho nước Mỹ trong dài hạn.

Dù vậy, cũng có những "làn gió ngược" khi các nhà kinh tế cảnh báo, thuế mới có thể ảnh hưởng tới năng lực xuất khẩu của hàng hoá Mỹ, đồng thời tăng giá hàng hóa hằng ngày đối với người dân, thúc đẩy lạm phát.

Về khía cạnh này, chuyên gia David French của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ nhấn mạnh, thuế quan đối ứng có thể xem như một loại thuế đánh vào túi tiền người tiêu dùng, làm tăng gánh nặng tài chính của họ. Nhà kinh tế trưởng Michael Feroli của JP Morgan thậm chí cảnh báo, kịch bản sức mua tiêu dùng bị tác động tiêu cực có thể dẫn tới nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ.

Lạm phát tăng cũng được nhận định có thể tạo áp lực lên chi phí đi vay, dẫn đến nguy cơ trì trệ đối với hoạt động kinh tế nước Mỹ.

Trong khi đó, chuyên gia Diane Swonk từ KPMG lưu ý, chính sách mới có thể đẩy thuế quan lên mức cao nhất kể từ đầu những năm 1900, làm phức tạp việc hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang và có khả năng làm tăng nguy cơ suy thoái.

Trên phương diện chính trị, thuế mới gây lo ngại sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ ngoại giao giữa Washington và các đối tác, ảnh hưởng tới nhiều tiến trình địa chính trị toàn cầu.

Sự lo lắng của các nhà đầu tư trước hàng loạt rủi ro thể hiện rõ nét trên thị trường tài chính. Ngay phiên giao dịch đầu tiên ngày 3-4, chỉ số S&P 500 giảm 3,3%, NASDAQ 100 giảm 4,2%, Dow Jones - gắn liền với chỉ số công nghiệp trung bình - giảm 2,3%.

Ở châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 4,1% và chỉ số trung bình cổ phiếu Kospi của Hàn Quốc giảm hơn 2,5%. Chỉ số ASX 200 của Australia giảm khoảng 2%. Đây đều là các mức tồi tệ hơn những dự đoán trước đó.

Các tập đoàn lớn của xứ Cờ hoa như Apple, Nike, Walmart cũng đã chứng kiến thiệt hại tài chính đáng kể, khi cổ phiếu sụt giảm trung bình 7%. Trong số này, Apple, Nike đều có cơ sở sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam. Tương tự, cổ phiếu NVIDIA giảm khoảng 4,5%, cổ phiếu Tesla giảm 6%.

container-shipping-ports.jpg
Hàng hoá tiêu dùng của Mỹ có thể tăng giá mạnh khi thuế mới có hiệu lực. Ảnh: West Coast Shipping.

Không ai muốn cuộc chiến thương mại

Thủ tướng Italia Giorgia Meloni mô tả các mức thuế mới của Nhà Trắng là "sai lầm" và cho rằng chúng không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Tuy nhiên, Thủ tướng Italia vẫn để ngỏ khả năng thảo luận tiến tới thỏa thuận với Mỹ nhằm tránh một cuộc chiến thương mại có thể làm suy yếu phương Tây.

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese chỉ trích các mức thuế là "không có cơ sở logic" và "không phải hành động của một người bạn." Ông nhấn mạnh rằng Australia sẽ không trả đũa và sẽ không tham gia vào một cuộc đua xuống đáy dẫn đến giá cả tăng và tăng trưởng chậm lại. ​

Thể hiện quan điểm cứng rắn, Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố sẽ "chiến đấu" chống lại các mức thuế của Tổng thống Donald Trump, trong đó, lên án động thái lần này của Nhà Trắng đã "thay đổi cơ bản hệ thống thương mại toàn cầu”. Canada cảnh báo đang chuẩn bị các động thái trả đũa để phản ứng nhanh chóng với bất kỳ hành động thương mại nào mà Mỹ sẽ công bố.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Manfred Weber chỉ trích các mức thuế của ông Donald Trump, cho rằng chúng không bảo vệ, mà thay vào đó, làm tổn hại nền tảng thương mại công bằng, nhấn mạnh điều đó sẽ gây hại cho cả hai bờ Đại Tây Dương. ​Thực tế, Liên minh châu Âu đã đe dọa sẽ triển khai các biện pháp đối phó vào giữa tháng 4.

Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói mềm mỏng. Chính phủ Anh đã bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại để "giảm thiểu tác động" của mức thuế 10% đối với hàng hóa Anh. Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds nhấn mạnh: "Không ai muốn một cuộc chiến thương mại", cho biết ưu tiên lúc này của London là đàm phán, thay vì trả đũa.

Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng các mức thuế mới có thể dẫn đến lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Vương quốc Anh do lo ngại về tác động lan tỏa của các mức thuế này. ​

Theo giới quan sát, các khoản thuế sẽ đảo ngược hàng thập kỷ tự do hóa thương mại đã định hình trật tự toàn cầu. Điều này có thể trầm trọng hơn nếu các đối tác thương mại của Mỹ phản ứng bằng các biện pháp trả đũa cực đoan. Khi những “hàng rào” thuế được dựng lên theo kiểu như vậy, sản lượng công nghiệp toàn cầu sẽ giảm, dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng và kéo tụt tăng trưởng kinh tế.

screenshot-2025-04-03-at-08.43.31.jpg
Những nước và vùng lãnh thổ chịu thuế đối ứng cao trong lần này. Ảnh: Hoàng Linh.

Vẫn còn lối thoát

Các ý kiến phân tích vẫn chỉ ra một lối thoát là việc mức thuế công bố lần này không phải vĩnh viễn. Trong phát biểu tại Vườn Hồng, Tổng thống Mỹ cũng để ngỏ khả năng điều chỉnh. Điều này có nghĩa là, mức thuế hoàn toàn có thể thay đổi trong tương lai, một khi các đối tác thương mại thương lượng thành công với chính quyền Mỹ.

Trả lời trên truyền hình về thuế mới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng gợi ý điều tương tự, cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ "chờ xem tình hình diễn ra như thế nào". Tuy nhiên, quan chức này cảnh báo các nước không vội vàng leo thang chiến tranh thương mại.

Như vậy, về ngắn hạn, đàm phán là giải pháp duy nhất mà mỗi quốc gia có thể vận dụng để tránh những thiệt hại ngoài ý muốn. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực theo hướng này cần được triển khai nhanh chóng, trước khi các nền kinh tế hứng chịu những thiệt hại kinh tế kéo dài.

Trong trung hạn, có thể đưa vấn đề thuế đối ứng của Mỹ lên các tổ chức thương mại quốc tế - như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm tạo ra áp lực cần thiết buộc Washington phải điều chỉnh các biện pháp của mình. Cùng với đó, đàm phán ngoại giao trong khuôn khổ G7, G20… cùng được kỳ vọng có thể hoá giải tình hình căng thẳng.

250402-donald-trump-tariffs-mn-1830-ad76e8.jpg
Tổng thống Mỹ Doanld Trump tại buổi công bố thuế quan đối ứng diễn ra trong khuôn viên Nhà Trắng. Ảnh: NBC News.

Trong dài hạn, các nước, các doanh nghiệp đa quốc gia chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế lần này cũng được khuyến nghị nên tìm cách tối ưu hoá chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực sản xuất nội địa để gia tăng tính tự chủ cho nền kinh tế. Thời gian tới, nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ, được dự báo có thể tiến hành vận động hành lang để điều chỉnh thuế, trong trường hợp hoạt động kinh doanh của họ gặp khó khăn.

Rõ ràng, cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại về các mức thuế mới của Mỹ và những tác động tiềm tàng trong tương lai. Tuy nhiên, các bên cơ bản không mong muốn xảy ra một cuộc chiến thương mại và sẵn sàng đàm phán với nền kinh tế số 1 thế giới để tìm tiếng nói chung.

Tham khảo thông tin CNBC, Investopedia, The Guardians

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ: Thay đổi bức tranh thương mại toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.