Thế giới

Chứng khoán châu Âu lao dốc, Pháp kêu gọi doanh nghiệp tạm ngừng đầu tư vào Mỹ

Hoàng Linh 09/04/2025 - 19:42

Ngày 9-4 (giờ Việt Nam), trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi chính sách thuế nhập khẩu mới tại Mỹ có hiệu lực, thị trường chứng khoán châu Âu đã chứng kiến làn sóng suy giảm mạnh, tương tự như những gì đã xảy ra tại Mỹ và châu Á trước đó.

screenshot-2025-04-09-at-18.38.18.jpg
Thị trường chứng khoán châu Âu rực sắc đỏ. Ảnh chụp màn hình giao dịch

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,44% so với mức đóng cửa ngày hôm qua. Trong khi đó, Chỉ số DAX của Đức giảm 2,92%; Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 3%; Chỉ số BEL 20 của Bỉ giảm 3,49%; Chỉ số thị trường Thụy Sĩ giảm 4,37%; Chỉ số STOXX Europe 50 - một chỉ số chuẩn theo dõi 50 công ty hàng đầu trong khu vực đồng euro - giảm 3,57%.

Cùng ngày, Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng Pháp Marc Ferracci đã kêu gọi doanh nghiệp nước này tạm ngừng hoạt động đầu tư vào Mỹ.

Động thái này được cho là để phòng ngừa những rủi ro liên quan đến chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Hãy dừng đầu tư trong giai đoạn vô cùng phức tạp này" - Bộ trưởng Marc Ferracci nêu rõ trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh France Info, nhấn mạnh các khoản đầu tư giờ đây trở nên không chắc chắn.

Là thành viên Liên minh châu Âu (EU), Pháp bị đánh thuế 20% đối với hàng hóa xuất khẩu tới Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia cũng chứng kiến suy giảm giá trị vốn hóa trên thị trường. Microsoft đã vượt qua Apple để trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới với mức vốn hóa 2.640 tỷ USD, trong khi Apple còn 2.590 tỷ USD. Đây là hệ quả trực tiếp của đợt bán tháo cổ phiếu mạnh mẽ đang diễn ra trên toàn thị trường, đặc biệt là trong ngành công nghệ.

Cổ phiếu Apple đã giảm tới 23% chỉ trong 4 phiên gần nhất - mức sụt giảm nghiêm trọng nhất trong nhóm các công ty công nghệ có vốn hóa lớn. Sự sụt giảm này một phần đến từ lo ngại về khả năng Apple sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thuế mới của Mỹ, do hãng này phụ thuộc nhiều vào sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Trong diễn biến liên quan, các ngân hàng trung ương của Ấn Độ và New Zealand đã thông báo cắt giảm lãi suất chuẩn trong ngày 9-4.

Cụ thể, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã hạ lãi suất cơ bản xuống còn 6%. Ngân hàng Dự trữ New Zealand giảm lãi suất cơ bản xuống còn 3,5%, với lý do thuế quan và "sự không chắc chắn về chính sách thương mại toàn cầu".

Các ngân hàng trung ương thường cắt giảm lãi suất trong điều kiện kinh tế đầy thách thức. Lãi suất thấp hơn làm cho việc vay mượn rẻ hơn, kích thích tăng trưởng bằng cách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và người tiêu dùng chi tiền.

Theo Al Jazeera, The Guardian

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán châu Âu lao dốc, Pháp kêu gọi doanh nghiệp tạm ngừng đầu tư vào Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.