(HNM) - Tròn 1 tháng kể từ khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chấp nhận từ chức sau khi hàng loạt nghị sĩ và thứ, bộ trưởng tuyên bố rời khỏi chức vụ. Động thái này được cho là sẽ hóa giải tình trạng chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền và giúp ổn định chính trường Anh sau những sóng gió vừa qua.
Chiều 7-7, nhiều hãng truyền thông ở Anh đưa tin Thủ tướng Boris Johnson đã đồng ý từ chức, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở nước này. Tuy nhiên, để bảo đảm mọi hoạt động của chính phủ diễn ra một cách thông suốt, ông sẽ tại nhiệm tới khi đảng Bảo thủ bầu ra người kế nhiệm.
Theo Hãng tin Reuters, cơn thịnh nộ bùng phát trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền sau khi Thủ tướng B.Johnson bổ nhiệm một nhà lập pháp vào văn phòng kỷ luật đảng, bất chấp người này từng bị tố cáo có những hành vi sai trái. Đây là cuộc khủng hoảng mới nhất ập đến với chính quyền của Thủ tướng B.Johnson sau nhiều tháng liên tiếp vướng bê bối, bao gồm cáo buộc ông vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức tiệc tại tư dinh và văn phòng ở phố Downing. Chỉ trong vòng 2 ngày, có tới 50 nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh, bao gồm 16 thứ, bộ trưởng đồng loạt rời nhiệm sở. Mới nhất là Bộ trưởng phụ trách Gia đình và Trẻ em Will Quince và Bộ trưởng phụ trách các tiêu chuẩn trường học Robin Walker.
Hiện, nền kinh tế Anh đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn khi châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc xung đột tại Ukraine. Lạm phát của Anh đã tăng lên 9,1%, mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Andrew Bailey cảnh báo, cú sốc giá năng lượng mà tất cả các nước châu Âu đang trải qua có thể sẽ khiến nền kinh tế Anh suy thoái nhanh chóng và nghiêm trọng hơn các quốc gia khác. “Cơn bão” giá tại xứ sở Sương mù có thể sẽ nghiêm trọng hơn nữa vào thời điểm cuối năm nay. Không chỉ đối mặt với những thách thức về kinh tế, Thủ tướng B.Johnson còn phải gánh chịu những áp lực nặng nề sau khi đảng Bảo thủ của ông không giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương được tổ chức đầu tháng 5 vừa qua. Nhiều nghị sĩ đổ lỗi cho ông về kết quả đáng thất vọng tại nhiều khu vực bầu cử trọng yếu. Ngoài ra, việc chính quyền Scotland, một trong 4 vùng của Vương quốc Anh, nung nấu ý định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập vào ngày 19-10-2023 cũng là một chủ đề khiến nhà lãnh đạo 58 tuổi phải đau đầu.
Có thể thấy, đây là thời điểm chính phủ cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, tập trung vào những vấn đề quan trọng với người dân, thay vì thay đổi người đứng đầu. Tuy nhiên, với sự chia rẽ sâu sắc trong đảng cầm quyền cũng như uy tín của Thủ tướng B.Johnson đang trên đà lao dốc, những chính sách của ông đưa ra trong thời gian tới khó có thể đạt được sự đồng thuận.
Trong 2 ngày vừa qua, nhiều nghị sĩ Anh đã công bố các thư ngỏ yêu cầu Thủ tướng từ chức vì quyền lợi quốc gia và quyền lợi đảng Bảo thủ. Thậm chí, nghị sĩ Chris Skidmore còn kêu gọi thay đổi các quy định của đảng Bảo thủ để thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác đối với thủ tướng. Bởi theo luật lệ hiện hành, sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng trước, ông B.Johnson sẽ không phải đối mặt với một “cuộc sát hạch” tương tự trong vòng 1 năm. Thông tin từ BBC cũng cho thấy, cuộc khủng hoảng trong nội các Anh nghiêm trọng tới mức nếu Thủ tướng B.Johnson không từ chức, các lãnh đạo cấp cao của đảng Bảo thủ sẽ tổ chức cuộc họp vào thứ hai tuần tới để xem xét đề xuất sửa đổi quy tắc liên quan tới bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Vì vậy, quyết định “ra đi” của ông B.Johnson sẽ giúp quốc đảo này tránh bị chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị với nhiều hệ lụy ngoài mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.