(HNM) - Đúng như dự đoán, cũng như hy vọng của các cơ quan quản lý và cộng đồng, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong tháng 6-2018 đã có sự cải thiện mạnh mẽ (đạt hơn 10,4 tỷ USD), tạo ra sự đảo chiều ngoạn mục, bù đắp lại kết quả còn hạn chế suốt 5 tháng trước.
Sự góp mặt của các dự án lớn
Tính đến hết tháng 5, cả nước mới thu hút được 9,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn kiên trì nhận định rằng sự suy giảm chỉ là tạm thời và lượng vốn mới thu hút sẽ tăng mạnh trở lại khi một số dự án có quy mô lớn, đến hàng tỷ USD (đang trong giai đoạn cân nhắc) được cấp phép. Và thực tế đã diễn ra như dự đoán, với sự xuất hiện của các dự án mới, nhất là dự án quy mô lớn đã làm cho diễn biến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đảo chiều ngoạn mục.
Tính chung 6 tháng qua, Việt Nam đã thu hút 20,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (gồm vốn cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và vốn do đối tác nước ngoài mua cổ phần...), tăng 5,7% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong đó có dự án thành phố thông minh tại huyện Đông Anh (Hà Nội), với số vốn đăng ký hơn 4,1 tỷ USD - là nhân tố trực tiếp thúc đẩy Thủ đô trở thành địa phương đứng hàng đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn nước ngoài.
Tiếp đó, dự án đầu tư khu du lịch phức hợp của Công ty Laguna (Singapore) xin tăng thêm 1,12 tỷ USD vốn tại Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra, phải kể đến hai dự án khá lớn đã được cấp phép từ trước gồm dự án Lotte Mall tại Hà Nội, trị giá 500 triệu USD của Hàn Quốc nhằm xây dựng tổ hợp văn phòng, căn hộ phục vụ du lịch và dự án nhà máy của Hàn Quốc nhằm sản xuất linh kiện camera trị giá hơn 500 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, những con số trên thể hiện sự bứt phá tích cực, đưa đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng của nền kinh tế và góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế...
Như vậy, với sự xuất hiện của một số dự án lớn nói trên, bức tranh đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm nay đã thay đổi căn bản, tạo niềm tin mới cũng như xóa đi lo ngại về tình trạng trầm lắng tạm thời suốt 5 tháng đầu năm. Kết quả nói trên là rất đáng ghi nhận, bởi nếu tính chung mỗi dự án đầu tư nước ngoài chỉ có quy mô trung bình khoảng 20 triệu USD và những dự án quy mô lớn sẽ đóng vai trò là những trung tâm, lan tỏa, cũng như hấp dẫn thêm nhiều dự án quy mô nhỏ tham gia đầu tư để trở thành đối tác, nhà cung cấp linh kiện, hoặc nhà thầu phụ.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã giải ngân 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Đây cũng là thành công đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế đang cần thêm nhiều vốn và năng lực sản xuất mới để gia tăng quy mô sản xuất, cũng như kết hợp hướng về mục tiêu tăng cường xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế. Ngoài ra, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng duy trì nhịp độ xuất khẩu cao, đóng góp 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Kiên trì mục tiêu chọn lọc dự án
Một diễn biến đáng lưu ý, đến nay chính quyền nhiều địa phương đang chủ động rà soát, đánh giá kỹ về chất lượng, giá trị và tác động tổng hợp của từng dự án ngay từ khi nhà đầu tư đặt vấn đề muốn đầu tư. Đây là bước chuyển rất quan trọng, đáng khích lệ để “gạn đục, khơi trong” trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài mà thực chất là phát hiện, kiên quyết từ chối những dự án có nguy cơ gây tác hại, nhất là về môi trường.
Điều này cho thấy ý thức và quan điểm “không thu hút đầu tư bằng mọi giá” đã lan tỏa về các địa phương trong việc sàng lọc, quyết định cấp phép hay không. Đó cũng là sự nhất quán, xuyên suốt đúng như chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng cường thẩm định, chọn lọc và nêu rõ mục tiêu kêu gọi, ưu tiên những dự án bảo đảm yêu cầu, nhất là có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có sự kết nối sâu rộng với các đơn vị trong nước...
Đơn cử, tỉnh Vĩnh Phúc vừa từ chối một dự án dệt nhuộm trị giá 350 triệu USD do lo ngại có thể gây ô nhiễm môi trường. Đây là phản ứng dễ hiểu, bởi dự án có đặc điểm sử dụng nhiều diện tích mặt bằng, tiêu tốn nhiều hóa chất và nước trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng chuyển giao công nghệ từ nhà đầu tư nước ngoài cho đối tác trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng sự mong muốn nói chung. Vấn đề này hầu như chưa có sự chuyển biến rõ ràng, đáng ghi nhận nào sau khoảng 30 năm nước ta mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, nhiều dự án đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào lĩnh vực lắp ráp, gia công nên hoạt động chuyển giao công nghệ còn hạn chế, chưa đạt mục đích đề ra. Trên thực tế, mức độ, tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong nhiều sản phẩm do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam cũng hạn chế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.