Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông qua 2 nghị quyết quan trọng về nông nghiệp

Hoa Linh| 05/12/2018 16:13

(HNMO) - Chiều 5-12, tại kỳ họp thứ bảy, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội với tỷ lệ tán thành đạt 96,08% tổng số đại biểu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ trình bày tờ trình của UBND thành phố tại kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố.


Trước khi thông qua nghị quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, trong trình bày tờ trình của UBND thành phố, đã nêu lý do cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thuỷ lợi năm 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội được đề nghị ban hành bằng mức giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Bộ Tài chính quy định tại Điều 1 Quyết định số 1050a/QĐ-BTC ngày 30-6-2018 của Bộ Tài chính về giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi giai đoạn 2018-2020. Ngoài ra, bổ sung thêm nội dung "Tiêu, thoát nước khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị" theo quy định tại Quyết định số 1050a/QĐ-BTC.

Cũng trong chiều ngày làm việc thứ hai, 100% đại biểu có mặt tại hội trường (99 đại biểu) đã biểu quyết thông qua một nghị quyết quan trọng khác trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là: Nghị quyết một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội.

Các chính sách được quy định trong Nghị quyết áp dụng cho các hoạt động sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp thuộc phạm vi các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết trên địa bàn TP Hà Nội; hoạt động sản xuất, phát triển nông nghiệp theo quy hoạch; xây dựng hạ tầng nông thôn.

Cần rà soát kỹ, tránh gây lãng phí

Trước khi biểu quyết thông qua các Nghị quyết, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị.

Đại biểu Dương Thị Hằng (tổ đại biểu Long Biên) đề nghị UBND thành phố sớm ban hành kế hoạch với những giải pháp cụ thể để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, các cơ chế được đưa vào thực tiễn, như phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đại biểu cũng đề nghị UBND thành phố rà soát kỹ kế hoạch quy hoạch tổng thể, phân khu để đầu tư hợp lý, tránh lãng phí. Sau khi thẩm tra, đại biểu Hằng cho biết, còn một số bất cập, như xã Văn Đức (Gia Lâm) là vùng phát triển trồng rau an toàn tốt, nổi tiếng, nhưng trong báo cáo quy hoạch đến năm 2020 không đề cập đến việc dành đất trồng rau tại đây, mà thay vào đó là phát triển nguồn thịt.

Theo đại biểu Hằng, hiện các hợp tác xã gặp khó khăn vì nhu cầu về vốn lớn, tuy nhiên, việc đáp ứng vốn cần tài sản bảo đảm. Đại biểu đề xuất thành phố quan tâm hơn để tạo được những nguồn quỹ, bắc cầu hỗ trợ đầu tư cho phát triển nông nghiệp.

Cùng góp ý về tài chính nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Lan Hương (tổ đại biểu Đông Anh) đề xuất, thành phố nên có nghị quyết về tài chính vi mô, chính sách riêng để nông dân có đủ khả năng vay vốn ngân hàng.

Ngoài các nội dung hỗ trợ như dự thảo Nghị quyết đã nêu, đại biểu Hoàng Mạnh Phú (tổ đại biểu Phúc Thọ) đề nghị, UBND thành phố quan tâm hỗ trợ tập trung cho doanh nghiệp, vì đây sẽ là đầu tàu giúp nông dân về kỹ thuật, giống, vốn và tiêu thụ sản phẩm; quan tâm hỗ trợ nông dân tại những vùng bị thiên tai ngập úng.

Với các huyện đã xây dựng được nhiều thương hiệu cho nông sản, thành phố nên tiếp tục hỗ trợ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ thương hiệu.

Cuối phiên thảo luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ đã có giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm.

Cũng trong chiều nay (5-12), HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố và Nghị quyết về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông qua 2 nghị quyết quan trọng về nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.