(HNM) - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa đưa ra lời kêu gọi Libya sớm trở lại tiến trình đàm phán hòa bình và đạt thỏa thuận ngừng bắn dài hạn. Sự kiện này diễn ra sau khi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj và Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar ngày 21-8-2020 đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào tháng 3-2021. Đây được coi là nền tảng thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Libya.
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện ở nước này tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng LNA của Tướng Khalifa Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Đầu tháng 4 vừa qua, lấy danh nghĩa chống khủng bố và truy quét phiến quân, LNA triển khai chiến dịch quân sự nhằm chiếm thủ đô Tripoli, vốn thuộc quyền kiểm soát của GNA. Sau những thắng lợi ban đầu, đến nay chiến dịch của LNA đang bế tắc do gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ các lực lượng thân GNA.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến nay, xung đột vũ trang tại Libya đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, hơn 5.700 người khác bị thương và khoảng 400.000 người bị mất nhà cửa. Dư luận luôn lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc nội chiến mới cũng như thảm họa nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này khi xuất hiện sự can dự trực tiếp và công khai của các quốc gia bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân đến Libya hỗ trợ GNA. Trong khi đó, các nước ủng hộ Tướng K.Haftar đã hỗ trợ quân sự cho LNA. Do đó, thỏa thuận ngừng bắn toàn diện hai bên đạt được hôm 21-8 là bước ngoặt phá vỡ căng thẳng leo thang giữa LNA và GNA. Quan chức cấp cao thuộc Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) Stephanie Williams gọi đây là một "sự kiện lịch sử" ở Libya.
Tại cuộc họp trực tuyến công khai về tình hình Libya ngày 2-9, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi các bên ở Libya tôn trọng Tuyên bố ngày 21-8, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy các cam kết của Hội nghị Berlin về Libya đã được Hội đồng Bảo an ủng hộ tại Nghị quyết 2510. Diễn ra hồi tháng 1-2020, Hội nghị Berlin về Libya với mục tiêu chính là tận dụng ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực nhằm chấm dứt can thiệp vào cuộc chiến, thông qua việc cung cấp vũ khí, quân đội và tài chính. Các nhà phân tích đánh giá, Hội nghị Berlin là khuôn khổ quốc tế duy nhất mang lại cơ hội thực tế cho cuộc đối thoại chính trị cần thiết để sớm chấm dứt xung đột tại Libya.
Cho đến nay, Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) luôn kỳ vọng các cuộc đàm phán được Liên hợp quốc thúc đẩy là mục tiêu chủ chốt của tiến trình hòa bình tại Libya. Mỹ hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên tham chiến tại Libya, đồng thời khẳng định, đã đến lúc người dân Libya và các bên liên quan ở nước này không thể để các quốc gia khác can thiệp vào chủ quyền của Libya. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu cũng luôn hối thúc các giải pháp nhằm đưa Libya trở lại quỹ đạo ổn định. Bất ổn đã khiến làn sóng di cư xuất phát từ bờ biển Libya tràn vào châu Âu, trở thành gánh nặng và gây ra cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng ở Lục địa già.
Các nhà phân tích cho rằng, những cuộc đàm phán sắp tới có thể gặp nhiều khó khăn khi bị chi phối bởi những lợi ích phức tạp từ các quốc gia bảo trợ bên ngoài. Do đó, ưu tiên hiện nay là bảo đảm lệnh ngừng bắn mới nhất được giữ vững, tạo nền tảng thúc đẩy tiến trình hòa bình cho quốc gia Bắc Phi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.