(HNMO) - Ngày 11-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Tiếp công dân. Đa số ý kiến của các ĐBQH tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Tiếp công dân.
Theo ĐB Chu Đơn Hà (Đoàn Hà Nội), thời gian qua không phải không có chế định về tiếp công dân mà do việc triển khai còn hạn chế. Do đó nếu QH quyết định xây dựng Luật tiếp công dân thì phải bảo đảm sẽ không làm phình trụ sở, thêm bộ máy, biên chế. Còn như Dự thảo hiện nay, công dân có quyền khiếu nại tố cáo, thảo luận với các vấn đề chung của đất nước với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng quy định này còn sơ sài.
Từ thực tiễn ở cơ sở, ĐB Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) lại cho rằng, rất cần có Luật tiếp công dân. Tuy nhiên, Dự thảo quy định về trụ sở tiếp công dân chưa rõ sự khác biệt giữa địa điểm tiếp công dân ở TƯ, địa phương và không xác định rõ những cơ quan, người có trách nhiệm tham gia. Trong khi đó, đây đều là những điều kiện cần thiết để giải quyết khiếu nại tố cáo.
Ở một góc nhìn khác, ĐB Hồ Thị Thủy (Đoàn Vĩnh Phúc) khẳng định, thời gian qua, việc tiếp công dân mang tính chất hình thức, cán bộ tiếp công dân quan liêu, thiếu trách nhiệm, thờ ơ trước nỗi khổ của người dân. Hệ quả là không ít người dân gửi đơn thư vượt cấp. Do đó, Ban soạn thảo cần quy định chi tiết trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chứ không chỉ là lắng nghe, tiếp nhận phản ánh khiếu nại tố cáo của dân như Dự thảo đề cập. Ngoài ra, ĐB Hồ Thị Thủy đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung cơ chế phối hợp giữa các cơ quan từ TƯ đến địa phương. Còn như hiện nay, trách nhiệm người đứng đầu không rõ ràng, có tình trạng đùn đẩy giải quyết đơn thư ở nhiều cơ quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.