(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1998/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2017 là 269.084 biên chế (giảm 1,5% so với năm 2016). Thực hiện chủ trương này nhưng phần lớn các địa phương mới triển khai theo hướng giảm đối tượng nghỉ hưu và không tuyển
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Hiện đã có 9 lượt bộ, ngành và 33 lượt địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế (TGBC) năm 2017, với số đối tượng được giải quyết TGBC là 2.664 người. Trong đó có 2.336 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 320 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 5 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 3 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh các cơ quan hành chính nhà nước còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu ổn định, "vào" rồi không dễ "ra", kết quả trên là một cố gắng lớn. Nhưng thực tế kết quả đạt được cũng cho thấy, TGBC thường là do giải quyết theo nguyện vọng cá nhân, chưa thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu và căn cứ vào đánh giá phân loại chất lượng công chức, viên chức. Mục tiêu tinh giản nhằm loại khỏi bộ máy những cá nhân không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chưa thể hiện rõ. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm các trường học, bệnh viện và cần thêm thầy giáo, thầy thuốc gây áp lực tăng quỹ biên chế...
Cần giải pháp linh hoạt, cụ thể
Thực tiễn đang đòi hỏi phải xây dựng một nền hành chính chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Cải cách hành chính, mà công việc quan trọng là TGBC, là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu trên. Để thực hiện được TGBC cần phải có giải pháp hữu hiệu khắc phục những vấn đề còn tồn tại.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam và Bắc Giang, chế độ chính sách hỗ trợ TGBC theo Nghị định 108/ 2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20-11-2014 còn thấp, khó áp dụng như: TGBC đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền... Trong khi đó, Bộ Nội vụ chậm phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập nên nhiều nơi vẫn chưa đủ căn cứ để TGBC.
Lực cản TGBC còn đến từ chính cách nhìn của người đứng đầu các đơn vị. Một số cơ sở lúng túng trong phương thức triển khai. Đơn vị khác lại chỉ coi mục tiêu TGBC là giảm cơ học một số lượng biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước chứ chưa gắn với thực hiện các nội dung của cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng mức lương phù hợp.
Kết quả giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 4-12-2015 của HĐND TP Hà Nội về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2016 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm so với yêu cầu. Một số cơ sở chưa tinh gọn hoặc có chung một số chức năng nhiệm vụ như trung tâm phát triển quỹ đất và ban bồi thường giải phóng mặt bằng, hay một số đơn vị thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa, thông tin. Đội ngũ thanh tra xây dựng tuy đã được giao chủ tịch UBND cấp quận, huyện điều hành trực tiếp, tuy nhiên, biên chế vẫn do Sở Xây dựng quản lý. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp do không đủ sức khỏe công tác có nguyện vọng được TGBC nhưng lại không đủ các điều kiện của Nghị định 108. Vấn đề đặt ra liên quan đến tổ chức, bộ máy đã và đang được UBND thành phố khắc phục gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Để giúp cơ sở tháo gỡ được những khó khăn đang đặt ra trong thực hiện TGBC cần có các cơ chế chính sách cụ thể hóa, phù hợp. Đồng thời cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kiêm nhiệm chức vụ, xây dựng chính phủ điện tử để giảm bớt các khâu trung gian, xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả.
Khắc phục hiện tượng nể nang trong đánh giá cán bộ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Bộ Nội vụ chỉnh lý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm nhận xét và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp quyết định đánh giá, phân loại đối với cấp phó không do mình bổ nhiệm. Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu cải cách công vụ, công chức, bảo đảm đúng thực tế, chuẩn mực, phù hợp với cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, khắc phục bất cập hiện nay là còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, bình quân chủ nghĩa. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.