Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tinh giản biên chế cơ học, cào bằng

Hà Vũ| 07/11/2022 06:48

(HNM) - Tinh giản biên chế cơ học, cào bằng là một trong những vấn đề “nóng” trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vừa qua. Đây là nội dung đã nhiều lần được nêu ra, thảo luận tại các diễn đàn, được dư luận xã hội hết sức quan tâm, song đến nay, chưa có lời giải thỏa đáng.

Cần phải nhận thức rõ rằng, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhu cầu tất yếu, khách quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây còn là giải pháp bắt buộc nhằm giảm chi thường xuyên và thực hiện cải cách tiền lương; qua đó giữ chân người giỏi, thu hút người tài vào hoạt động công vụ.

Việc Trung ương chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế, giao chỉ tiêu giảm 5%, 10% tổng biên chế theo từng giai đoạn là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết; nhất là trong bối cảnh nhiều năm không đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, do cách làm không phù hợp, còn máy móc, cứng nhắc, thậm chí hiểu sai, nên ở không ít địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức còn xảy ra tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng. Có đơn vị khối lượng công việc lớn cần giữ nguyên chỉ tiêu biên chế, thậm chí phải tăng thêm người để đáp ứng công việc thì vẫn phải cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung. Mới đây nhất là hiện tượng thiếu hàng nghìn giáo viên ở các tỉnh Tây Nguyên, nhưng vẫn tinh giản biên chế 10%, làm cho đội ngũ này đã thiếu lại càng thiếu.

Để khắc phục tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng, cần các giải pháp căn cơ, bài bản cả về tổng thể, toàn diện và cụ thể, đặc thù dựa trên kinh nghiệm thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua.

Trong đó, người đứng đầu các cấp, các ngành cần thay đổi tư duy về tinh giản biên chế theo hướng không chỉ giảm về lượng, mà bắt buộc phải chuyển biến về chất. Chỉ tiêu giảm về tổng thể phải bảo đảm theo quy định, nhưng tùy tính chất, đặc thù từng nơi, từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương mà thực hiện linh hoạt để bảo đảm cả lượng và chất. 

Thực tiễn tại Hà Nội đã chứng minh luôn có cách làm hiệu quả để tinh giản biên chế mà không phải cơ học, cào bằng. Đó là, thành phố thực hiện mạnh mẽ chủ trương đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng sáp nhập những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần nhau, giảm đầu mối; khuyến khích chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, những đơn vị có thể xã hội hóa, có thể tự chủ thì kiên quyết tập trung chỉ đạo; tiên phong thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây... Tinh giản biên chế mà Hà Nội thực hiện là gắn với hệ thống vị trí việc làm; tập trung giảm nơi thừa, giảm người có năng lực yếu, đồng thời tăng thêm cho nơi thiếu dựa vào vị trí việc làm. Nhờ cách làm này, thành phố không những thực hiện vượt chỉ tiêu Trung ương giao (hơn 10%, trong đó giảm biên chế công chức 15,6%), mà bộ máy từ thành phố xuống cơ sở còn hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Kinh nghiệm thực tiễn tại các bộ, ngành, địa phương khác cũng chỉ ra rằng, để tránh cơ học, cào bằng, tinh giản biên chế phải gắn với cải cách hành chính trên tất cả các phương diện, nhất là từ thể chế chính sách để làm sao giảm nhiệm vụ của Nhà nước mà xã hội có thể thực hiện được, từ đó tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Tinh giản biên chế còn phải gắn với hiện đại hóa, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tinh giản biên chế cơ học, cào bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.