(HNMO) - Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội bố trí 2 cơ sở để tiếp nhận người bệnh đậu mùa khỉ (nếu có). Trong trường hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có số lượng bệnh nhân nhiều hơn khả năng thu dung thì Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là cơ sở tiếp theo.
Ngày 1-11, Đoàn công tác số 2 của Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại sân bay quốc tế Nội Bài và 2 bệnh viện chuyên khoa về da liễu là Bệnh viện Da liễu trung ương và Bệnh viện Da liễu Hà Nội.
Theo Bộ Y tế, nước ta chưa có ổ dịch đậu mùa khỉ mà mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp mắc xâm nhập sau khi trở về từ Dubai. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận sự gia tăng của ca mắc đậu mùa khỉ nên nguồn bệnh có khả năng xâm nhập vào nước ta đầu tiên là từ sân bay, sau đó là các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu.
Qua kiểm tra tại sân bay quốc tế Nội Bài, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã bố trí một khoa kiểm dịch y tế với 30 nhân viên chia làm 3 ca trực liên tục tại tất cả điểm tiếp xúc với khách quốc tế khi đến Việt Nam; đồng thời, xây dựng phương án xử lý khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Ngoài ra, sân bay cũng đã bố trí các pano, áp phích để truyền thông về các biện pháp phòng, chống đậu mùa khỉ. Cùng với đó, các phương tiện cấp cứu cũng đã cơ bản được đáp ứng…
Tương tự, qua kiểm tra tại Bệnh viện Da liễu trung ương và Bệnh viện Da liễu Hà Nội, hai bệnh viện này cũng đã bố trí quy trình tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân ngay từ khâu tiếp đón ban đầu tới khu hành chính và phòng khám của các bác sĩ.
Bác sĩ Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, mỗi ngày tại bệnh viện có 1.000-1.500 bệnh nhân đến khám. Đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp từ nước ngoài đến khám, chủ yếu là bệnh viêm da cơ địa, chưa có trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.
“Bệnh đậu mùa khỉ có các dấu hiệu về da như nhiều bệnh lý về da thông thường khác. Chính vì vậy, bệnh viện đã lưu ý các bác sĩ khi thấy các triệu chứng về lâm sàng mà không giải thích được bằng các bệnh herpes, thủy đậu, giang mai, tay chân miệng… thì cần cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ. Đặc biệt, khi người bệnh có thêm biểu hiện sốt, mệt mỏi toàn thân hoặc có tiền sử đi từ nước ngoài về thì cần chuyển xuống phòng khám cách ly”, bác sĩ Bùi Quang Hào thông tin.
Qua kiểm tra, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao công tác đáp ứng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn Hà Nội, nhất là công tác bảo đảm chuyên môn của các bệnh viện. Tuy nhiên, các bệnh viện cần thường xuyên tổ chức các tập huấn, đào tạo về bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh (nếu có).
Liên quan đến quy trình khi có ca bệnh nghi ngờ xuất hiện, ông Vương Ánh Dương cho biết, khi có nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ thì ưu tiên số 1 là gọi cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Bệnh viện này sẵn sàng tiếp nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ. Tại đây sẽ làm xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.
“Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội bố trí 2 cơ sở để tiếp nhận người bệnh đậu mùa khỉ (nếu có). Trong trường hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có số lượng bệnh nhân nhiều hơn khả năng thu dung thì lúc đó tại Hà Nội đã bố trí Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là cơ sở tiếp theo”, ông Vương Ánh Dương nói.
Trước đó, sau khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã thành lập 6 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo về chuyên môn việc giám sát, đáp ứng, thu dung điều trị, truyền thông về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại một số tỉnh, thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.