Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường viễn thông: Hết “cửa” cho mạng nhỏ?

Việt Nga| 12/01/2013 07:30

(HNM) - Kết thúc năm 2012, bên cạnh những gam màu sáng, như được đánh giá là khu vực có cạnh tranh mạnh, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, liên tục có ưu đãi cho khách hàng… ngành viễn thông Việt Nam cũng xuất hiện mảng tối đáng buồn.

Ngay đầu năm 2013, theo đánh giá xếp hạng 500 DN lớn do Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị công bố, ngành viễn thông được xếp đầu bảng về tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu khi bỏ ra 10 đồng vốn thu lại được 4,6 đồng. Điều này cũng có thể thấy qua các con số lợi nhuận của các DN trong ngành, như Viettel lãi hơn 24.000 tỷ đồng, VNPT tuy lợi nhuận giảm so với năm trước nhưng vẫn lãi 8.500 tỷ đồng… Trong số này, lĩnh vực đem lại lợi nhuận lớn nhất cho các tập đoàn chính là kinh doanh di động, thường chiếm 60-70% tổng lợi nhuận. Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các DN vẫn duy trì thu nhập ổn định cho người lao động (VNPT khoảng 9 vạn CBCNV, Viettel khoảng 2 vạn CBCNV).

Ngành viễn thông Việt Nam được đánh giá có chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Ảnh: Thanh Hải


Năm 2012, thị trường viễn thông mà cụ thể ở lĩnh vực di động đã chứng kiến sự thất bại của các mạng di động nhỏ. Đó là trường hợp của nhà đầu tư VimpelCom (Liên bang Nga) phải "bỏ của chạy lấy người" sau khi đã rót cả nửa tỷ USD xây dựng mạng Beeline tại Việt Nam nhưng làm ăn không hiệu quả, phải bán lại cổ phần với giá 45 triệu USD cho các đối tác trong nước. Gmobile - thương hiệu mới thay thế Beeline đã hoạt động trở lại từ giữa tháng 9-2012 bằng việc tiếp nối ra mắt gói cước "Tỷ phú 3" với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Song, việc nhà mạng này có trụ hạng hay không trong thời gian tới có lẽ là điều không dễ trả lời, khi mà thị phần chủ chốt đang nằm trong tay 3 "đại gia" Viettel, Mobifone, Vinaphone. Cũng một lý do nữa để thấy cửa hẹp của Gmobile, đó là nhà mạng này phải giải quyết được bài toán vốn đầu tư cho mạng lưới lên tới cả tỷ USD, không dễ nếu không có tiềm lực tài chính mạnh.

Thị trường di động đã hết hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, bức tranh tối của làng di động cũng được gắn với cái tên S-Fone. Từ cuối năm 2011, dư luận đã bình luận nhiều về số phận của nhà mạng này với hy vọng S-Fone sẽ tìm được đối tác để duy trì mạng lưới. Song, những gì diễn ra trong năm 2012 liên quan đến S-Fone đã được các phương tiện truyền thông đăng tải, như S-Fone phải sa thải nhân viên, nhân viên đến đòi lương, các mạng lớn cắt roaming, S-Fone nợ cước kết nối... cho thấy sự xuống dốc không phanh của mạng này. Nhiều chuyên gia trong ngành ví von S-Fone đang "chết lâm sàng". Dư luận cũng đặt câu hỏi, vậy Nhà nước có "cứu" mạng nhỏ này? Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, quan điểm phải giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh nên không có chuyện Nhà nước "cứu" các DN làm ăn thua lỗ, phá sản, trừ những DN Nhà nước giữ vai trò quan trọng... Như vậy, có thể thấy, nếu không tìm được đối tác ở phút chót, S-Fone sẽ phải tuyên bố phá sản. Cũng trong năm 2012, thị trường viễn thông cũng phải chứng kiến một nhà mạng chưa xuất hiện nhưng đã phải ra đi đó là trường hợp mạng ảo Đông Dương bị rút giấy phép do chậm triển khai dịch vụ. Cùng được cấp phép mạng ảo với Đông Dương còn có VTC và từ trường hợp của Đông Dương cho thấy, nếu không triển khai dịch vụ theo quy định, VTC cũng sẽ bị Bộ thu hồi giấy phép. Như vậy, thị trường viễn thông Việt Nam đã hết cửa cho mạng ảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường viễn thông: Hết “cửa” cho mạng nhỏ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.