Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường ô tô ảm đạm vì dịch bệnh

Thanh Hải| 17/04/2020 07:37

(HNM) - Nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn được áp dụng nhưng thị trường ô tô quý I-2020 vẫn khá ảm đạm. Tuy nhiên, khó khăn chỉ là tạm thời khi các cơ quan chức năng đang đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm vượt qua khó khăn do dịch bệnh, trong đó có cắt giảm thuế, phí để kích cầu tiêu dùng mặt hàng ô tô...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, anh Nguyễn Huy Hoàn, quản lý gara ô tô Việt Tín (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Trước khi thực hiện cách ly xã hội, từ giữa tháng 3-2020, gara đã phải cho anh em thợ nghỉ việc, đóng cửa showroom vì không có khách. Việc sửa chữa, bảo dưỡng xe cũng vậy, rất ít người tới do dịch”.

Thực tế, đây cũng là tình cảnh chung của nhiều đơn vị kinh doanh ô tô hiện nay. Trong quý I-2020, mặc dù các hãng tung ra nhiều chương trình ưu đãi và khuyến mãi lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không đủ để níu kéo khách hàng. Đơn cử như Toyota Fortuner, Innova, Honda CR-V, Mazda CX-8... đã tung ra khuyến mãi, giảm giá hơn 100 triệu đồng giữa mùa dịch, còn hãng xe Volswagen đã điều chỉnh giảm giá 2 sản phẩm Tiguan Allspace và Passat lên đến hơn 200 triệu đồng... nhưng cũng không giúp cải thiện được tình hình. Nguyên nhân là do người tiêu dùng có tâm lý tiết kiệm chi tiêu do thu nhập sụt giảm cũng như e ngại dịch Covid-19 có thể kéo dài.

Các gara, showroom bán ô tô sụt giảm doanh thu, dẫn đến những chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng lớn, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu cũng không ngoại lệ. Doanh số lao dốc khiến nhiều hãng ô tô phải dừng hoạt động, đóng cửa sản xuất. Cụ thể, Ford là hãng xe đầu tiên tại Việt Nam chính thức tạm dừng sản xuất kể từ ngày 26-3 và việc lắp ráp xe có thể bị trì hoãn tới nhiều tuần. Tiếp đó là VinFast đã đưa ra thông báo tạm thời đóng cửa toàn bộ đại lý thuộc hệ thống Trung tâm thương mại Vincom tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh...

Báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) cho thấy, trong tháng 3-2020 doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 19.154 xe, tăng 8% so với tháng 1-2020 và giảm 41% so với tháng 2-2019. Xét tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 3-2020 giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó xe ô tô du lịch giảm 35%; xe thương mại giảm 26%; xe chuyên dụng giảm 32%)...

Để kích cầu tiêu dùng, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm. Trong đó, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị hỗ trợ ngành ô tô. Đáng chú ý là đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho người mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Trước đó, VAMA đã có báo cáo gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng và 50% lệ phí trước bạ để kích cầu tiêu dùng.

Nhìn nhận lâu dài về thị trường ô tô, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn có những đánh giá tích cực. Ông Ninh Hữu Chấn, Thư ký VAMA cho rằng, thị trường và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Vì vậy, khi dịch được khống chế, ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng cả cung lẫn cầu vì nguồn linh kiện lắp ráp không thiếu bởi từ cuối năm 2019, các doanh nghiệp đã có nguồn linh phụ kiện nhập kho đủ đáp ứng cả năm 2020.

Ông Đỗ Nam Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, những khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, chắc chắn thời gian tới ngành công nghiệp ô tô sẽ bứt phá vì tiềm năng và thế mạnh còn nhiều. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) với lộ trình giảm dần thuế nhập khẩu ô tô về 0% tạo cơ hội cho xe ngoại vào thị trường Việt Nam thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy việc kinh doanh, tiêu dùng mặt hàng này...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường ô tô ảm đạm vì dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.