Kết quả kinh doanh do các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam công bố chiều 10-7 cho thấy, thị trường tiếp tục duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhẹ nhưng không thật sự bền vững.
Theo báo cáo chiều 10-7 của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường tháng vừa qua đạt 26.575 xe, trong đó bao gồm 19.944 xe du lịch. Như vậy, lượng ô tô tiêu thụ của VAMA đã tăng 3% so với tháng 5-2024, tăng 12% so với tháng 6-2023, với lượng xe du lịch bán ra tăng 9% so với tháng 5-2024.
Trong đó, lượng xe lắp ráp trong nước tiêu thụ được đạt 12.962 xe (tăng 8% so với tháng 5-2024), doanh số xe nhập khẩu đạt 13.613 xe (giảm 1% so với tháng 5-2024).
Tình hình diễn biến tương tự với các nhà sản xuất không thuộc VAMA. Chiều 10-7, trao đổi với phóng viên, đại diện Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV) cho biết đã bán ra tổng cộng 5.047 xe Hyundai trong tháng 6-2024, cao hơn chút ít so với mức 4.914 xe của tháng trước, nhưng vẫn chưa bằng mốc 5.108 xe của tháng 6-2023.
Mặc dù hoạt động kinh doanh duy trì xu hướng tích cực, nhưng giới chuyên môn và các đại lý chưa thể lạc quan. Đại diện một số hãng ô tô nhận định, nguồn lực chính của thị trường lúc này vẫn đến từ các đợt ưu đãi và giảm giá hết mức, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu mua sắm tự nhiên, do đó có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
Một ví dụ là vào lúc này, các đơn vị đều cố gắng triển khai giảm giá mạnh tay tương đương 50% hoặc 100% lệ phí trước bạ - một chiến lược được cho là để "xóa" tâm lý chờ đợi xuất hiện và đè nặng lên doanh số ô tô kể từ khi thông tin về một đợt giảm lệ phí trước bạ mới sắp được áp dụng.
Chính sách này được triển khai cho cả các dòng xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước. Điển hình, Honda City (lắp ráp trong nước) đang được giảm giá tương đương 100% lệ phí trước bạ với các phiên bản L và G, giảm tương đương 50% lệ phí trước bạ với bản RS.
Ở nhóm xe nhập, Volkswagen Việt Nam đang ưu đãi 50% phí trước bạ cho dòng xe Volkswagen Teramont X, dù sản phẩm ra mắt chưa lâu. Với phiên bản Luxury có giá 1,998 tỷ đồng và Platinum có giá 2,168 tỷ đồng, mức ưu đãi này tương đương hàng trăm triệu đồng giảm giá đối với chiếc SUV nước Đức.
Dù việc áp dụng giảm giá kết hợp với giới thiệu dồn dập các mẫu xe mới mang lại hiệu quả tương đối tốt, nhưng nhiều ý kiến vẫn khẳng định, tiềm năng doanh số trong giai đoạn hiện nay hoàn toàn có thể tăng nữa nếu lộ trình về đợt giảm lệ phí trước bạ trở nên rõ ràng.
Về thời gian tới, các ý kiến phân tích đánh giá, giai đoạn kinh doanh thấp điểm thường niên tháng “Ngâu” sẽ tiếp tục kìm hãm lượng xe bán ra. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng với các đơn vị kinh doanh, đặc biệt là nếu chính sách giảm lệ phí trước bạ chưa thể áp dụng như kỳ vọng.
Về vấn đề này, hiện nay Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng, từ 1-8-2024 cho đến hết 31-1-2025, nhưng việc phê duyệt vẫn cần thêm thời gian.
Ngoài ra, nhiều mẫu xe ăn khách trình làng từ đầu năm và đang ở giai đoạn kinh doanh sung sức (như Mitsubishi X-Force, KIA Seltos, Hyundai Accent) hay chuẩn bị giao hàng số lượng lớn (như VinFast VF3) đều góp phần quan trọng vào nỗ lực chung "giữ lửa" thị trường ô tô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.