Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường bất động sản 2017: Sẽ sôi động hơn!

Hương Ly| 12/01/2017 06:58

(HNM) - Giá cả ổn định, thanh khoản duy trì ở mức khá cả về số lượng và giá trị giao dịch; cơ cấu hàng hóa bất động sản (BĐS) ngày càng đa dạng, hướng tới nhu cầu, khả năng thanh toán thực; đặc biệt, tồn kho đã giảm 75,23% so với quý I-2013... Đó là bức tranh khái quát của thị trường BĐS năm 2016.

Thị trường bất động sản được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong năm nay. Ảnh: Phương Nguyên


Theo các chuyên gia, năm 2017, nhà ở chất lượng tốt, giá hợp lý sẽ đóng vai trò "nhạc trưởng", mang lại sự sôi động cho thị trường BĐS.

Hướng tới nhu cầu thực

Năm 2016 khép lại với những tín hiệu khả quan trên thị trường BĐS. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS duy trì tăng trưởng ổn định, lành mạnh, thanh khoản ở mức khá cả về số lượng và giá trị giao dịch. Cơ cấu hàng hóa BĐS cũng ngày càng phong phú, hướng tới nhu cầu, khả năng thanh toán thực. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, thị trường BĐS phát triển chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình trạng lệch pha cung - cầu xuất hiện ở một số phân khúc. Tồn kho BĐS tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá lớn, chủ yếu tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu các dịch vụ thiết yếu...

Các chuyên gia BĐS cũng đưa ra những nhận định khá lạc quan về sự khởi sắc của thị trường BĐS năm 2017. Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, từ kết quả có được trong năm 2016, có thể lạc quan đánh giá về tình hình kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng. Phân khúc nhà giá rẻ sẽ có những chuyển biến vượt bậc và trở thành “điểm sáng” trên thị trường. Các phân khúc khác vẫn giao dịch tốt nhưng thanh khoản có thể sẽ chậm hơn trong năm 2017.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc phân tích Savills Việt Nam cho biết, tính riêng quý IV-2016, đã có 19 dự án mở bán thêm và 21 dự án mở bán mới, cung cấp 10.280 căn hộ cho thị trường Hà Nội, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015. Năm 2017, khoảng 77 dự án sẽ gia nhập thị trường, cung cấp hơn 50.000 căn hộ, phần lớn là các dự án hạng trung, trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hà Đông. Có những đoạn đường của Hà Nội giờ ngổn ngang dự án BĐS đang thi công ngày đêm là tín hiệu “ấm” lên của thị trường, mà bất kỳ người nào cũng dễ dàng nhận thấy.

Đặc biệt, việc nhiều "đại gia" BĐS tuyên bố sẽ đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ, với dự án quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng, sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa, đưa thị trường BĐS phát triển hướng tới nhu cầu thực của đa số người lao động hưởng lương, người có thu nhập trung bình trở xuống. Ngoài ra, với sự tham gia của những thương hiệu lớn, dự án quy mô lớn, có thể kỳ vọng sẽ hình thành sản phẩm nhà ở giá rẻ nhưng có chất lượng cao.

“Bong bóng” bất động sản có trở lại?

Những khu nhà giá rẻ như Ecohome 2 (Cổ Nhuế - Bắc Từ Liêm) sẽ tiếp tục được nhiều khách hàng quan tâm. Ảnh: Khánh Huy


Tín hiệu khởi sắc dễ cảm nhận, nhưng mối lo về “bong bóng” BĐS trở lại cũng khiến không ít nhà đầu tư e dè. Nhận xét về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, nguy cơ “bong bóng” BĐS trở lại vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Chính phủ đã nhìn ra vấn đề và có giải pháp điều hành cụ thể. Để tránh diễn biến xấu, các địa phương phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở cụ thể cho giai đoạn 5 năm và từng năm. Đơn cử, Thủ đô Hà Nội xây dựng mỗi năm khoảng 6 triệu mét vuông nhà ở là hợp lý, người mua có khả năng mua được nhà, chủ đầu tư tiêu thụ được sản phẩm, dự án không bị dở dang và khách hàng vẫn có lượng dư nhất định để lựa chọn. Nếu làm được như vậy thì thị trường BĐS năm nay sẽ ổn định và phát triển bền vững hơn.

"Bất cập lớn nhất của thị trường BĐS năm 2016 là cơ cấu hàng hóa còn lệch lạc, nếu không nhìn ra và kịp thời điều chỉnh thì khả năng sẽ dễ đi vào vết xe cũ, gây ra khủng hoảng như vài năm trước. Mặc dù nhu cầu thị trường rất lớn, song nhà ở xã hội, thương mại giá rẻ gần như chỉ chiếm khoảng 10%. Gần đây, việc nhiều "đại gia" BĐS tham gia dự án nhà ở giá rẻ, mỗi năm tung ra thị trường khoảng 40.000-50.000 căn hộ là tín hiệu rất tốt, vì 70-80% nhu cầu thị trường nằm ở phân khúc nhà chất lượng tốt, giá phải chăng" - ông Nguyễn Trần Nam nói.

Dự báo về thị trường BĐS năm 2017, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, xu hướng tăng giá BĐS là có, nhưng sẽ chỉ tăng ở những dự án có điều kiện hạ tầng tốt và vị trí đẹp. Tại thị trường Hà Nội, phân khúc giá rẻ sẽ hút người mua nhiều hơn, sau đó đến phân khúc giá trung bình. Phân khúc cao cấp vẫn có nhu cầu nhưng mức độ cung hiện đang vượt cầu. “Cần định hướng sao cho nguồn cung của phân khúc giá thấp phải chiếm ít nhất 60-80%, còn phân khúc giá cao thì chỉ nên ở mức độ 40% là tối đa, chứ không nên tăng quá. Cung thừa sẽ dễ rơi vào nợ xấu, khu đô thị “ma”, hoang hóa vì không có người mua. Khả năng tích tụ "bong bóng", gây sốt giá BĐS vào nửa cuối năm 2017 có thể xảy ra, nên bên cạnh việc tạo nguồn vốn ổn định, rất cần một chính sách đất đai phù hợp gắn liền với thị trường" - GS Đặng Hùng Võ đề nghị.

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Bộ Xây dựng diễn ra mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cấu trúc thị trường BĐS, gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, trong đó vấn đề cốt lõi là phải điều chỉnh cơ cấu hàng hóa BĐS hợp lý, khắc phục lệch pha cung - cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho thuê. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ kiểm soát hợp lý nguồn cung BĐS cao cấp, chủ động theo dõi, nắm bắt diễn biến của thị trường, tránh để xảy ra tình trạng “bong bóng” BĐS.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản 2017: Sẽ sôi động hơn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.