(HNM) - Biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng El Nino, đã và đang tác động hết sức tiêu cực đến cuộc sống của hàng chục triệu dân trên thế giới. Hiện tại, khu vực Đông Nam Á - vựa lúa của toàn cầu - đang bị đe dọa nghiêm trọng với những cánh đồng khô nẻ và nạn ngập mặn hoành hành.
Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với hạn hán kỷ lục. |
Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng sẽ kéo theo sản lượng lúa, các loại cây lương thực khác sụt giảm mạnh. Vấn đề an ninh lương thực một lần nữa lại được các quốc gia cân nhắc một cách nghiêm túc.
Tại Thái Lan, vùng đất nông nghiệp lớn ở Đông Bắc nước này đang thiếu nước trầm trọng. Mực nước trong những hồ dự trữ đang xuống thấp. Không chỉ vậy, một số vùng nông nghiệp khác ở nước này cũng đang hứng chịu hạn nặng khiến những kênh đào thủy lợi thành những đường dẫn khô cạn. Nghiên cứu vừa công bố của Đại học Phòng Công nghiệp thương mại Thái Lan (UTCC) nhận định, nước này sẽ bị mất 0,6-0,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do hạn hán nghiêm trọng. Trước tình hình đó, quốc gia thuộc nhóm sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới này đã buộc phải giảm hạn ngạch xuất khẩu gạo xuống còn 4,6 triệu tấn, giảm khoảng 14,5% so với năm 2015. Đồng thời, báo cáo của Văn phòng Kinh tế nông nghiệp Thái Lan cũng cho biết, diện tích đất nông nghiệp của toàn quốc đã giảm 10% do thiếu nước tưới tiêu.
Cùng với Thái Lan, Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ước tính, hạn hán đang diễn ra và tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 343.476ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long từ cuối năm ngoái, làm giảm năng suất lúa từ 30% đến 70%. Bà Aurelia Britsch, nhà phân tích kinh tế nông nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu BMI đã hạ dự báo sản lượng gạo, đường và cà phê sản xuất trong khu vực; đồng thời lưu ý rằng giá gạo sẽ bắt đầu tăng do nguồn cung hạn chế trên thị trường. Bà A.Britsch cũng nhận định rằng, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2001 ngay trong năm nay.
Các quốc gia lưu vực sông Mê Kông khác như Lào, Campuchia cũng đang chịu ảnh hưởng tương tự. Người phát ngôn Liên hiệp Thanh niên bản địa Campuchia, ông Samin Ngach cho biết thực phẩm và nguồn cung cấp nước sạch hiện đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng do diện tích đất nông nghiệp ở Campuchia đang rơi vào tình trạng thiếu nước tưới tiêu nghiêm trọng. Hơn 200.000ha đất nông nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt. Còn tại Lào, hạn hán đã làm suy giảm đáng kể năng suất lúa. Một số nông dân ở Vientiane cho biết, hiện không thể gieo hạt cho vụ mùa sắp tới vì lượng nước tưới tiêu không đủ. Tình trạng hạn hán đã kéo dài từ năm 2015 đến nay. Và đặc biệt, nhiều nông dân ở Lào còn lo ngại phải đối mặt với nguy cơ đói vì thiếu gạo ăn.
Không chỉ vậy, hạn hán còn ảnh hưởng lớn đến các quốc gia trên biển. Tại Malaysia, Chính phủ tuyên bố sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp vì nắng nóng nếu nhiệt độ ở một khu vực liên tiếp duy trì mức 40 độ C trong 7 ngày. Đây là động thái mới nhất mà Chính phủ Malaysia đưa ra nhằm đối phó với thời tiết khô hạn ảnh hưởng nặng đến ngành sản xuất dầu cọ, một trong những sản phẩm nông nghiệp chính. Theo công bố của Ủy ban Dầu cọ của Malaysia, những cánh đồng nguyên liệu đang bị thu hẹp dần và sản lượng đầu ra của mặt hàng xuất khẩu chiến lược này chỉ còn 1,04 triệu tấn thay vì 1,12 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2015. Philippines lâm vào tình cảnh tương tự khi hiện tượng El Nino gây thiệt hại ít nhất 206 triệu USD trong sản xuất nông nghiệp trong năm qua. Nông dân nước này đang đối mặt nạn đói nghiêm trọng khi đã có người dân phải săn bắt chuột đồng để sống qua ngày...
Không còn nghi ngờ gì nữa về một năm cực khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp các nước Đông Nam Á ngay trong năm 2016 này. Đặc biệt, với vị thế là khu vực xuất khẩu gạo và nhiều sản phẩm nông nghiệp, hạn hán đang hoành hành tại nhiều nước Đông Nam Á sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu. Để giải quyết điều này, các quốc gia cần phải tăng cường hợp tác thông qua các cơ chế như cơ chế Hợp tác Mê Kông - Lan Thương, Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR). Bên cạnh đó, nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu cũng đòi hỏi sự hỗ trợ của các quốc gia trên toàn thế giới, trong thực hiện các cam kết tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc lần thứ 21 về biến đổi khí hậu (COP21). Nếu không, thế giới sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện bắt đầu từ lương thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.