Người nông dân cần hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp và quản lý rủi ro khí hậu trong bối cảnh thời tiết thất thường do tác động của El Nino đe dọa nguồn cung lúa thiết yếu cho châu Á.
Mudzakir, một nông dân ở East Java (Indonesia) dự kiến thu hoạch cuối năm nay sẽ thiệt hại vài tấn lúa. Trong những năm được mùa, nhóm của ông thu hoạch ít nhất 6-7 tấn gạo trên mỗi hecta. Trước tình trạng hạn hán trái mùa, Mudzakir và nhiều nông dân khác đã sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất.
Theo SCMP, hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đang quay trở lại và tác động đến nhiều khu vực, từ đảo Java của Indonesia đến vựa lúa Isaan ở Thái Lan và Nueva Ecija tại Philippines. Do thường gây bão, sâu bệnh, hạn hán và lũ lụt, giới chuyên gia đánh giá kiểu hình thời tiết này có thể gây thiệt hại đến cây lúa vốn là nguồn cung cấp lương thực thiết yếu ở châu Á. Tại nhiều quốc gia, người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với những cú sốc về giá và tình trạng thiếu nguồn cung.
Sự kiện “Godzilla El Nino” giai đoạn 2014-2016 đã khiến sản lượng gạo Đông Nam Á giảm 15 triệu tấn trong 2 năm, khiến hàng triệu người tại khu vực sản xuất và tiêu thụ khoảng 30% sản lượng gạo thế giới rơi vào tình cảnh mất an ninh lương thực.
Theo Ngân hàng Thế giới, với giá gạo toàn cầu năm nay đã cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến còn tăng, chính phủ quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu mặt hàng này đã gấp rút áp dụng các biện pháp giảm nhẹ tác động đối với người tiêu dùng.
Tháng 10 vừa qua, Malaysia đã triển khai trợ cấp gạo nhập khẩu ở các bang Sabah và Sarawak, đồng thời khuyến cáo người dân không tích trữ mặt hàng này. Trước đó, Philippines cũng áp trần giá trong thời hạn 1 tháng sau khi giá gạo đạt mức cao nhất trong 14 năm.
Nhưng chính những hộ nông dân sản xuất nhỏ trong khu vực mới là đối tượng phải đối mặt nhiều nhất với tác động của thời tiết khó lường và sự thay đổi thất thường trên thị trường.
Gắn liền với chu kỳ nóng lên của Thái Bình Dương, sự kiện El Nino hiện tại bắt đầu vào tháng 6 đã đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng được ghi nhận. Trong khi các nhà khoa học chưa thể xác nhận cường độ, nhiều người chung nhận định rằng El Nino vẫn chưa bộc lộ toàn bộ tác động.
Giáo sư Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore đánh giá, “có 75-85% khả năng El Nino lần này sẽ mạnh”, đồng thời cho rằng, tác động của hình thái thời tiết này đối với nông nghiệp sẽ đặc biệt rõ vào đầu năm 2024.
Theo chuyên gia an ninh lương thực Elyssa Ludher, Đông Nam Á cũng đã có sự chuẩn bị cho hiện tượng El Nino này, khi các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu đã dự trữ để đề phòng khủng hoảng nguồn cung.
Ludher, nhà nghiên cứu về an ninh lương thực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết, lạm phát lương thực dự kiến sẽ tiếp tục tăng do sản lượng giảm, cùng với việc một số quốc gia áp dụng những chính sách mang tính phản ứng, như Ấn Độ từng cấm xuất khẩu gạo tẻ thường hồi cuối tháng 7. Điều này sẽ tác động đến các doanh nghiệp xuất khẩu và gây ra tình trạng thiếu lương thực ở các quốc gia khác.
Khi giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 12 năm, nhiều quốc gia đã phản ứng bằng những biện pháp nhằm kiềm chế thị trường, hỗ trợ những nhà sản xuất nhỏ vượt qua giai đoạn khó khăn. Đơn cử Indonesia có chương trình phát gạo cho các hộ gia đình có thu nhập thấp kéo dài đến hè năm sau; Philippines áp trần giá tạm thời và công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 12,7 tỷ peso (tương đương 228 tỷ USD) cho nông dân, cùng với chương trình khí hậu trị giá 2,15 tỷ peso được Liên hợp quốc hỗ trợ.
Là một trong những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, Philippines đang đẩy mạnh mở rộng quy mô sản xuất gạo trong nước và đưa ra kế hoạch đầy tham vọng nhằm tự cung cấp vào năm 2028. Điều này sẽ giúp đạt sản lượng khoảng 7 tấn mỗi hecta, trong khi sản lượng thông thường hiện vào khoảng 4,2 tấn và nhu cầu lương thực do tăng trưởng dân số cũng vượt xa tốc độ sản xuất.
Nhưng nông dân vẫn cho rằng họ cần hỗ trợ thêm về hiện đại hóa nông nghiệp và quản lý rủi ro khí hậu. Chuyên gia nông nghiệp Rex Navarro cho biết, những thách thức lớn nhất cản trở nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu đều liên quan đến cơ sở hạ tầng, kinh phí và phát triển năng lực, trong đó cần thiết xây dựng hệ thống giúp nông dân theo dõi sâu bệnh và năng suất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.