Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường

Thùy Linh| 05/06/2017 06:50

(HNM) - Được sử dụng các sản phẩm sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường là nhu cầu bức thiết của người tiêu dùng và xã hội. Dù đã được khuyến khích nhiều, song theo các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh các mặt hàng này là không hề dễ dàng.

Các siêu thị luôn khuyến khích người tiêu dùng sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.



Người sử dụng "kêu khó", nhà sản xuất "kêu khổ"

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, doanh nghiệp phải chịu chi phí tăng cao hơn khi sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Mặc dù vậy, từ nhiều năm trước công ty đã chuyển sang sử dụng các khay đựng trứng bằng giấy hoặc tre thân thiện với môi trường thay thế cho khay nhựa. Sự thay đổi này làm tăng chi phí khoảng 30%.

Cũng trong tình cảnh tương tự, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica cũng chia sẻ, công ty không sử dụng các sản phẩm bao bì, đóng gói bằng nhựa mà dùng hoàn toàn túi giấy, túi vải, túi tự phân hủy. Tuy nhiên chi phí sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường cao gấp nhiều lần. Ví dụ như giá khay giấy loại tốt cao gấp 3 lần khay nhựa, túi phân hủy không ảnh hưởng đến môi trường giá cao hơn 2,5 lần so với túi ni lông thông thường…

Theo bà Thảo, dù chấp nhận chi phí đắt hơn khi sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng “muốn thân thiện cũng không… dễ”, bởi nhà cung cấp túi giấy trên thị trường rất hạn chế. Hiện doanh nghiệp sản xuất bao bì tự hủy đã có nhiều, nhưng bao bì giấy còn rất ít. “Đơn giản như chúng tôi cần các khay giấy để đựng trứng gà, trứng vịt loại 6 quả, 10 quả thì trên thị trường không có nhà cung cấp nào sản xuất loại khay này”, bà Thảo nhấn mạnh.

Ông Trương Chí Thiện cũng cho biết, hiện công ty cũng chưa hoàn toàn chuyển tất cả sang khay giấy vì không có loại khay cho trứng 6 quả, 10 quả. “Loại này chưa doanh nghiệp nào trong nước sản xuất, phải nhập về với giá rất đắt”, ông Thiện nói.

Trong khi các doanh nghiệp sử dụng “kêu khó”, thì các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng “kêu khổ”. Các doanh nghiệp sản xuất cho biết, giá thành của bao bì tự hủy luôn cao hơn nhiều so với bao bì thông thường do phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, từ máy móc công nghệ cho đến các chất phụ gia để sản xuất.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng túi ni lông của người tiêu dùng vẫn còn cao, các chợ chỉ sử dụng túi ni lông do giá rẻ khiến khả năng cung ứng bị dư thừa nên doanh nghiệp không đầu tư sản xuất, hoặc đầu tư chỉ dành cho thị trường xuất khẩu.

Nâng cao ý thức "tiêu dùng xanh"

Ngược lại, phần lớn người tiêu dùng vẫn vô tư sử dụng túi nhựa theo thói quen, khiến việc tiêu thụ các loại bao bì thân thiện với môi trường càng khó khăn hơn. Chị Ngọc Anh, nhân viên văn phòng làm việc ở quận 3 cho biết, chị thường từ chối sử dụng các túi ni lông khi đi chợ. Thế nhưng, chị Ngọc Anh lại chỉ nằm trong số ít người tiêu dùng có ý thức giảm sử dụng túi ni lông. Tại các chợ, để làm hài lòng người mua, người bán hàng thường sử dụng rất nhiều loại túi này.

Tại hầu hết các siêu thị lớn đã chuyển sang sử dụng túi tự hủy và túi thân thiện với môi trường thay cho túi ni lông thông thường. Cụ thể như: Saigon Co.op đã sử dụng bao bì tự hủy và túi thân thiện với môi trường trên toàn hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood của mình.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc bộ phận Quan hệ Công chúng của Central Group Việt Nam và Big C cũng cho biết, hệ thống này cũng đã sử dụng túi tự hủy và túi thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông thông thường. Bên cạnh đó, để khuyến khích khách hàng sử dụng túi thân thiện với môi trường, đơn vị này bán túi đi chợ "Bag for life" sử dụng nhiều lần chỉ bằng giá sản xuất là 3.000 đồng/túi.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị này luôn khuyến khích các doanh nghiệp đối tác sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, ưu tiên trưng bày ở vị trí tốt cho các nhà cung cấp này. Theo đó, định kỳ vào tháng 6 hằng năm Saigon Co.op đều thực hiện chương trình “Tiêu dùng xanh”, thực hiện trưng bày và khuyến mãi hàng ngàn mặt hàng của các doanh nghiệp đạt chứng nhận xanh, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trong tháng Tiêu dùng xanh, Saigon Co.op thiết lập khu trưng bày riêng cho các doanh nghiệp xanh. Theo ông Nhân, người tiêu dùng rất quan tâm đến các sản phẩm “xanh”, thể hiện ở mức tiêu thụ trong tháng diễn ra chương trình tăng 40% - 60% so với tháng thông thường.

Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cho rằng, để hạn chế việc sử dụng túi ni lông, các cơ quan hữu quan cần phải có những quy định cụ thể, đồng bộ hơn thay vì chỉ có những biện pháp khuyến khích như hiện nay. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất bao bì giấy, bao bì tự hủy để sản phẩm được bán ra thị trường được nhiều hơn, rẻ hơn nhằm tạo thói quen không dùng túi ni lông để bảo vệ môi trường. Về phía người tiêu dùng cần có ý thức “tiêu dùng xanh”, biết nói “không” với sản phẩm không thân thiện môi trường để bảo vệ chính mình và môi trường xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.