Y tế

Xây dựng thói quen “người Việt dùng thuốc Việt” từ các dược liệu thế mạnh

Thu Trang 26/09/2023 - 19:50

Chiều 26-9, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) tổ chức lễ công bố chương trình vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

quang-canh-le-cong-bo.jpg
Quang cảnh lễ công bố .

Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), hằng năm, tổng lượng dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.

Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) khẳng định, dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong y dược cổ truyền, mà còn là nguyên liệu cho ngành hóa dược, thực phẩm, hóa mỹ phẩm tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế.

Đánh giá được tầm quan trọng về vai trò của dược liệu, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1976/QĐ-TTg về định hướng phát triển 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Cùng với đó, Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 14-10-2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 không chỉ phát triển, bảo tồn cây dược liệu mà còn giúp phát triển kinh tế xã hội, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến nay, ngành Y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: Vùng đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (thành phố Hồ Chí Minh). Đồng thời, ngành đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị.

Tại lễ công bố, nhà báo Trần Tuấn Linh, Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống nhấn mạnh: “Chương trình vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt như một sự động viên, khuyến khích và cổ vũ các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp chung tay vì sự phát triển dược liệu Việt. Qua đó phát huy giá trị của dược liệu trong chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh chuỗi, vùng trồng - sản xuất, phát triển các loại thuốc chữa bệnh từ dược liệu; đồng thời góp phần xây dựng thói quen “người Việt dùng thuốc Việt” từ các sản phẩm dược liệu thế mạnh của nước ta.

Lễ vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 sẽ được tổ chức chính thức vào đầu tháng 12-2023.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thói quen “người Việt dùng thuốc Việt” từ các dược liệu thế mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.