Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi để đáp ứng nhu cầu xã hội

Khánh Vũ| 03/12/2016 07:31

(HNM) - Việc các trường cao đẳng sư phạm sắp tới sẽ không tồn tại là chủ trương đã được nêu ra trong Nghị quyết 29-NQ/TƯ về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ban hành năm 2013.


Các trường cao đẳng sư phạm sắp tới sẽ không còn tồn tại. Trong ảnh:  Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây.


Bậc học thấp cần giáo viên giỏi

Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã đề ra mục tiêu tất cả giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học (ĐH) trở lên, như vậy cũng có nghĩa là các trường cao đẳng (CĐ) sẽ không còn vai trò đào tạo trong thời gian tới. Từ 3 năm trước, một nhóm nghiên cứu giáo dục, do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm đề tài, đã đưa ra đề xuất cần dừng đào tạo bậc trung cấp và CĐ sư phạm ngay từ năm học 2014-2015. Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, giáo viên các cấp, từ mầm non cho tới tiểu học đều cần được đào tạo ĐH, cần phải thay đổi suy nghĩ giáo viên bậc học thấp chỉ cần trình độ đào tạo thấp. Thực tế tại các nước phát triển cho thấy, càng ở bậc học thấp, việc tuyển chọn và đào tạo giáo viên càng cần kỹ và bài bản.

Bên cạnh đó, theo một thống kê của Trường ĐH Thủ đô, tính đến năm 2018, số sinh viên sư phạm tốt nghiệp mỗi năm không dưới 60.000 người ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cho đến thời điểm năm 2020, hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp và số giáo viên thất nghiệp sẽ lên tới 70.000 người. Hiện trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên. Còn theo Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam thì quy mô đào tạo sư phạm hằng năm ở Việt Nam khoảng từ 22.500 đến 23.000 sinh viên ĐH sư phạm chính quy và từ 24.000 đến 26.000 sinh viên cao đẳng sư phạm chính quy. Trong khi đó, vấn đề thiếu nguồn tuyển đầu vào ở các trường CĐ sư phạm đã kéo dài nhiều năm nay. Thậm chí, ở một số trường, nhiều ngành sư phạm gần như không tuyển được thí sinh môn văn, sử, địa, vật lý, hóa, tin học… Nguyên nhân là nguồn thí sinh đã bị hút vào các trường ĐH với chỉ tiêu tuyển sinh lớn hoặc vào các mô hình đào tạo linh hoạt hơn, sinh viên CĐ sư phạm ở các tỉnh cũng rất khó tìm được việc làm đúng nghề.

Để chuẩn bị cho lộ trình xóa mô hình trường CĐ, Bộ GD-ĐT cho biết đã đưa ra những cảnh báo về tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên cũng như nhu cầu giáo viên các cấp, nhu cầu nhân lực chung của các ngành khác để học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có nguyện vọng học sư phạm nắm được thông tin, cân nhắc và lựa chọn.

Sáp nhập hoặc thành phân hiệu

Ít nhiều đã chuẩn bị tâm thế cho sự thay đổi song đại diện các trường CĐ sư phạm cũng bày tỏ một số băn khoăn. Theo Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nghệ An Nguyễn Đình Anh, sắp tới, Ngành GD-ĐT sẽ thay đổi chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới với yêu cầu mang tính tích hợp cao. Để có đủ năng lực dạy được chương trình mới, giáo viên cần được bồi dưỡng lại. Trong khi nhiều trường sư phạm địa phương, như Trường ĐH Sư phạm Vinh ở Nghệ An đã chuyển sang đào tạo đa ngành từ nhiều năm nay. Số giáo viên tuyển bổ sung vào trường chủ yếu để phục vụ cho các ngành mới mở, phần lớn thuộc khối kỹ thuật. Vì vậy việc bồi dưỡng lại giáo viên là nhiệm vụ rất nặng và mang tính lâu dài của trường CĐ sư phạm địa phương.

Ông Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng cho biết, theo chủ trương quy hoạch lại các trường sư phạm, Nhà nước sẽ chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu. Các cơ sở đào tạo dôi ra sẽ được sáp nhập, thành lập trường CĐ cộng đồng đào tạo đa ngành, chuyển đổi thành phân hiệu của trường ĐH khác.

Trong kiến nghị trình Thủ tướng về việc điều chỉnh mạng lưới các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất chuyển một số trường CĐ sư phạm ở các địa phương thành trường CĐ cộng đồng để đào tạo thêm các ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương song song với đào tạo sư phạm. Một số trường có thể phát triển theo hướng trở thành cơ sở 2 của các trường ĐH uy tín. Trường CĐ Sư phạm Điện Biên cho biết cũng đã có đề án sáp nhập với Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật thành Trường ĐH Điện Biên. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã xây dựng đề án hoạt động sau khi tiếp nhận Trường CĐ Sư phạm Hà Nam để phát triển thành cơ sở 2. Từ một trường khó khăn về tuyển sinh, với sự sáp nhập này, CĐ Sư phạm Hà Nam hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên của tỉnh Hà Nam và các vùng lân cận, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất hiện có của nhà trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi để đáp ứng nhu cầu xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.