(HNM) - Năm 2021 là một năm đầy khó khăn với chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Những tác động tiêu cực của các đợt dịch Covid-19 với biến chủng Delta đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội… của thành phố. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm vượt khó, năng động sáng tạo, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã bước qua năm 2021 với nhiều kết quả đáng khích lệ.
Đối mặt nhiều khó khăn
Số liệu từ Tổng cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính chung cả năm 2021, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước đạt 1.298.791 tỷ đồng, giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước. Phó Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Phước Tường cho biết, dưới tác động của đại dịch, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố lần đầu tiên trong lịch sử giảm sâu hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước và các địa phương.
Qua số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát từ tháng 7-2021, tính riêng tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (gồm 17 khu với hơn 278.000 lao động) và khu công nghệ cao (hơn 45.000 lao động), có tới 827 công ty, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, với tổng số lao động hơn 244.000 người.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm, tính đến ngày 12-9 (thời điểm bắt đầu khống chế được đợt dịch thứ tư), thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 21.000 doanh nghiệp đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc với hơn 401.000 người lao động. "Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội của thành phố", ông Nguyễn Văn Lâm nói.
Ở khía cạnh sức khỏe, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến ngày 26-12-2021, dịch Covid-19 đã khiến 500.696 người nhiễm bệnh; làm 19.738 người tử vong. Số trẻ em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ, người nuôi dưỡng, giám hộ lên đến hơn 1.500 em. Thành phố đã phải huy động tổng lực hệ thống y tế, bao gồm cả y tế tư nhân nhằm cùng với lực lượng chi viện to lớn của Trung ương, quân đội và các tỉnh, thành phố trên cả nước để khống chế dịch bệnh.
Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, tác động của dịch Covid-19 đã khiến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của thành phố bị ảnh hưởng lớn, nhất là từ quý II-2021 đến hết năm. Các mặt đời sống, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua rà soát 29 chỉ tiêu thành phần năm 2021 theo Nghị quyết HĐND thành phố Hồ Chí Minh đề ra, thành phố hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu và còn 2 chỉ tiêu đang tập hợp cơ sở tính toán.
Vượt khó vươn lên
Giữa bối cảnh dịch bệnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cùng với cả nước vẫn tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với tỷ lệ cử tri đi bầu cử lên đến 99,6%. Thành phố đã xây dựng mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND cấp quận, phường, hoàn chỉnh bộ máy chính quyền các cấp để phát triển kinh tế - xã hội.
Với quy mô kinh tế chiếm gần 23% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước, sự phục hồi kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh có tác động lớn đến kinh tế cả nước. Ý thức rõ về trọng trách này, dù phải căng sức chống dịch, các cấp, các ngành của thành phố đã nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu khả quan. Phó Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh Trần Phước Tường cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2021 trên địa bàn thành phố ước thực hiện 383.703 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ.
Tính đến tháng 12-2021, gần 100% doanh nghiệp và người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã làm việc trở lại. Các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục theo hướng an toàn đến đâu, mở ra đến đó. Bà Phạm Thị Thanh, 78 tuổi, ngụ tại hẻm 769 đường Phạm Thế Hiển (quận 8) chia sẻ: “Từ chỗ toàn thành phố gần như tê liệt vì giãn cách phòng, chống dịch, nay con tôi đã đi làm trở lại, cháu tôi được đến trường… Nhịp sống ngày một sôi động trở lại”.
Về chăm lo an sinh xã hội, trong năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai 3 gói hỗ trợ gần 12.000 tỷ đồng cho hơn 10 triệu lượt người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Về y tế, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước trong phủ rộng diện tiêm vắc xin phòng Covid-19, với khoảng 98% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi. Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải, từ đầu tháng 12-2021 đến nay, số ca nhiễm mới, ca nhập viện, ca tăng nặng, ca tử vong do dịch Covid-19 đều giảm mạnh. Đây là tín hiệu đáng mừng để thành phố tiếp tục triển khai chiến lược sống chung an toàn với dịch Covid-19.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, để khôi phục kinh tế và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong năm 2022, thành phố sẽ thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế… để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm và thu nhập tối thiểu cho người lao động. Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định, toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 6% đến 6,5%. “Đây là một mục tiêu phấn đấu cao nhưng có cơ sở và niềm tin. Trước hết là sự khát khao hồi phục phát triển kinh tế rất lớn, ý chí vươn lên, tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân thành phố đã được thử thách và tăng cường sau đại dịch”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.