Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng gần 80 chương trình, đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất xanh.
Nội dung này được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ tại Diễn đàn “Thành phố Hồ Chí Minh - Gỡ vướng cho kinh tế xanh” diễn ra chiều 6-12.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, nhóm lĩnh vực môi trường, năng lượng tái tạo và các dự án có liên quan đến giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia.
Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển bền vững. Khung chiến lược phát triển xanh này gồm 4 nội dung, gồm: Phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.
Để thực hiện hóa mục tiêu này, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh xác định xây dựng 3 trụ cột lớn. Đầu tiên là xây dựng khung pháp lý. Hiện thành phố đang xây dựng khoảng gần 80 chương trình, đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất xanh.
Bên cạnh đó, thành phố xây dựng bộ tiêu chí đo lường. Theo đó, trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch, tất cả các hoạt động, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…., từng phân xưởng, nhà máy, gia đình phải đo lường được phát thải để điều chỉnh.
Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng những mô hình mẫu, một địa phương xanh tại huyện Cần Giờ, xưởng sản xuất xanh, công trình, bệnh viện, trường học xanh...
Cũng theo lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân thành phố một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững.
Chia sẻ ý kiến, PSG.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Sự kết hợp giữa chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng đang tạo ra một động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Do đó, thành phố Hồ Chí Minh có thể tiếp cận kinh tế tuần hoàn theo hướng trên nền tảng công nghệ 4.0, đổi mới sáng tạo, cải thiện, tạo môi trường sống xanh, sạch, hiện đại, đồng thời bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái.
Từ đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân gợi mở, thành phố có thể phát triển dự án công trình xanh, cải tạo và nâng cấp đô thị trên cơ sở lồng ghép các giá trị mới xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao, thu hút đầu tư khu công nghiệp sinh thái.
Còn GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, để phát triển bền vững phục vụ cho những mục tiêu lâu dài, cần sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng từ gió...
Để huy động vốn cho các dự án xanh, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù thành phố Hồ Chí Minh đang rất tích cực trong việc triển khai các cơ chế đặc thù, ưu đãi thu hút đầu tư, song các quy định liên quan cụ thể đến lĩnh vực kinh tế xanh vẫn chưa được nhấn mạnh trong các chính sách, chưa tạo ra các cơ chế hỗ trợ, tài trợ phù hợp.
Ông Lịch cho biết, sắp tới, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị UBND thành phố triển khai cơ chế sử dụng ngân sách cấp bù hỗ trợ lãi suất vay tín dụng đối với các dự án xanh. Đồng thời, tham mưu các sở, ngành liên quan xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, phân loại dự án và đưa ra các mức ưu đãi, hỗ trợ.
UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Với kế hoạch này, thành phố đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: Tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh, và hệ sinh thái Cần Giờ xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.