Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch

Hà Phạm| 14/06/2021 07:21

(HNM) - Bước vào mùa mưa bão năm 2021, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp diễn. Để khắc phục vấn đề này, thành phố Hồ Chí Minh đã, đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân...

Từng mảng đất đá bị sạt lở ăn sâu vào cốt nền nhà các hộ dân sinh sống hai bên bờ sông Giồng (thành phố Thủ Đức).

Nguy cơ sạt lở thường trực

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ở hai bên bờ sông Giồng (đoạn cầu Giồng Ông Tố, phường Bình Trưng Tây, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, từng mảng đất đá bị sạt lở ăn sâu vào cốt nền nhà các hộ dân sinh sống tại đây. UBND phường Bình Trưng Tây đã phải treo bảng thông báo “Khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm, cấm lại gần”.

“Mỗi khi vào mùa mưa, triều cường dâng cao, gia đình tôi lại nơm nớp lo sợ vì sống trong khu vực nguy cơ sạt lở. Mong chính quyền địa phương sớm có biện pháp giải quyết, ngăn chặn tình trạng này để gia đình tôi và các hộ dân ở đây yên tâm sinh sống”, bà Lê Thị Thu Nhàn (ngụ ở phường Bình Trưng Tây) mong mỏi.

Là một trong những địa phương có nguy cơ cao về sạt lở các tuyến sông, kênh, rạch vào mùa mưa bão, huyện Nhà Bè cũng đang có nhiều hộ dân sống trong hoàn cảnh tương tự. Đơn cử như tại bờ trái rạch Ông Lớn 2 (khu vực cầu Phước Lộc, xã Phước Kiển) tập trung đông dân cư sinh sống, nên khi mùa mưa bão đến, người dân lại sống trong tâm trạng bất an.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết, trên địa bàn huyện có 9 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở mức độ cảnh báo nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, tập trung tại 4 xã gồm: Hiệp Phước, Phước Kiển, Nhơn Đức và Phước Lộc. Hiện 9 vị trí này đều đã có dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm nên việc triển khai thi công các dự án kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 35 vị trí sạt lở với tổng chiều dài khoảng 23km, gồm: Đặc biệt nguy hiểm (19 vị trí) và nguy hiểm (16 vị trí). 35 vị trí sạt lở này đã được lập dự án xây dựng kè, nhưng tiến độ triển khai khá chậm hoặc chưa thể triển khai do vướng giải phóng mặt bằng, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng nên nhiều hộ dân chưa di dời.

Bảo đảm an toàn cho người dân

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An, hiện có 3.345 hộ dân xây dựng nhà tạm trên hành lang bảo vệ bờ sông thuộc thành phố Thủ Đức, quận 4, quận 8; huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Sở đã đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, trái phép; tích cực vận động người dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình lấn chiếm trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch.   

Liên quan đến khu vực sạt lở hai bên bờ sông Giồng, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông với chiều dài gần 700m, dự kiến triển khai ngay trong năm 2021. Còn tại huyện Nhà Bè, hiện đang có 226 hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời, huyện đã chỉ đạo các xã liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến sạt lở và sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế người dân di dời đến nơi an toàn khi cần thiết. Cùng với đó, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tái định cư...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở cao và có phương án xử lý. Đối với 35 vị trí sạt lở đã được lập dự án xây dựng kè, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giao đất để có thể sớm hoàn thành các dự án.

Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân sống ở những khu vực sạt lở, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan yêu cầu, người đứng đầu UBND các địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó. Các ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kè kiên cố chống sạt lở, ưu tiên bố trí vốn thực hiện tại những điểm có nguy cơ sạt lở cao; chính quyền các địa phương sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công, không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại về tài sản…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.