Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông

Kim Nhuệ| 30/01/2023 07:46

(HNM) - Những năm gần đây, Hà Nội liên tiếp xuất hiện các sự cố sạt lở bờ bãi sông, làm mất đất đai, đe dọa tính mạng, tài sản của nhiều người dân. Mặc dù cơ quan chức năng đã quan tâm xử lý nhưng diễn biến sạt lở bờ sông vẫn rất phức tạp. Để chủ động quản lý, phòng, ngừa sự cố..., ngày 11-1 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 với nhiều giải pháp quan trọng.

Sạt lở bờ bãi sông Hồng gây hư hỏng nhiều công trình của người dân xã Ninh Sở (huyện Thường Tín).

Diễn biến sạt lở phức tạp

Minh Châu là xã đảo duy nhất của huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội với địa giới hành chính nằm hoàn toàn ở bãi giữa sông Hồng. Ông Nguyễn Danh Tần, người dân thôn 5 (xã Minh Châu) cho biết, đất ở đây chủ yếu là phù sa, có kết cấu không bền vững. Hơn nữa, do biến đổi lòng dẫn, dòng chảy nên 10 năm nay sông Hồng đã "lấy" hàng chục héc ta đất sản xuất nông nghiệp của 205 hộ dân Minh Châu. Để giữ đất, giữ làng, người dân nơi đây đã trồng nhiều rặng tre chắn sóng. Thành phố đã đầu tư xây dựng tuyến kè phòng chống sạt lở, bảo vệ bờ sông. Tuy nhiên, trên địa bàn xã vẫn còn hơn 1.000m bờ bãi sông chưa được xây dựng công trình bảo vệ. Vì vậy, người dân nơi đây vẫn thấp thỏm nỗi lo sạt lở, mất đất sản xuất.

Tương tự, người dân các xã: Yên Viên (huyện Gia Lâm), Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), Tự Nhiên (huyện Thường Tín), Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn)... cũng mong thành phố tiếp tục quan tâm xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ bãi các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, Cà Lồ...

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông có xu hướng gia tăng với tính chất phức tạp và khó lường hơn. Cụ thể, năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 24 sự cố đê điều, trong đó có 12 sự cố sạt lở bờ bãi sông. Năm 2021, Hà Nội xảy ra 40 sự cố đê điều, trong đó có 8 sự cố sạt lở bờ bãi sông...

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Phạm Quang Đông, do lòng dẫn các tuyến sông bị hạ thấp, dòng chủ lưu áp sát bờ sông, tuyến kè làm mất ổn định gây ra tình trạng sạt, trượt bờ sông, sự cố kè. Nguyên nhân sâu xa của việc hạ thấp lòng dẫn là do hoạt động khai thác cát dọc các con sông làm lòng dẫn bị xói sâu, hạ thấp, bờ sông bị sạt lở. Ngoài ra, do ảnh hưởng các đợt xả lũ của hồ thủy điện, nhất là khi có lũ lớn, làm mực nước trên sông lên nhanh, dòng chảy có lưu tốc lớn dẫn đến tình trạng sạt lở...

"Để bảo vệ đất đai, an toàn tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở vùng bãi sông, Nhà nước đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng 179 kè lát mái hộ bờ với tổng chiều dài gần 219km, xây dựng 11 cụm công trình chỉnh trị lòng sông, bảo vệ bờ sông... Tính riêng giai đoạn 2011-2022, Hà Nội đã đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng xây dựng công trình xử lý khẩn cấp 148km kè chống sạt lở bờ sông...", ông Phạm Quang Đông thông tin.

Tăng cường đầu tư công trình

Hà Nội có nhiều dòng sông lớn chảy qua, hình thành hơn 41.000ha bãi sông; trong đó có 21.000ha đất sản xuất nông nghiệp, 5.250ha khu dân cư hiện có. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tại các bãi sông của thành phố hiện có hơn 614.000 người dân sinh sống; trong đó, vùng bãi sông hữu Hồng là hơn 225.000 người, tả Hồng là hơn 91.000 người... Nhiều khu vực dân cư đô thị thuộc các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Long Biên, Gia Lâm có số lượng lớn dân cư sinh sống lâu đời. Bên cạnh đó, trên các bãi sông của Hà Nội có 228 trường học, 163 trụ sở hành chính, 2.083 cơ sở sản xuất, 590 cơ sở tín ngưỡng...

Để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư vùng bãi sông, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030. Theo kế hoạch trên, đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành xử lý sạt lở các khu vực trọng điểm, xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông. Đến năm 2030, thành phố sẽ hoàn thành xử lý sạt lở các khu vực có nguy cơ, chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực có diễn biến xói, bồi phức tạp.

UBND thành phố giao các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trên sông; di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm... Từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ huy động khoảng 4.020 tỷ đồng xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở; trong đó, tập trung xử lý khẩn cấp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn khu dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, nhất là khu vực gần đê...

Với sự quan tâm của thành phố, người dân sinh sống ven các tuyến sông chảy qua Hà Nội sẽ vơi nỗi lo mất đất, hư hỏng công trình... trong những mùa mưa bão sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.