Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông

Gia Bảo| 29/08/2022 07:20

(HNM) - Những năm gần đây, hiện tượng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 với kinh phí lên đến hơn 9.800 tỷ đồng.

Ghi nhận tại sông Đồng Nai, đoạn qua địa phận huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên cho thấy, tình trạng khai thác cát vẫn còn diễn ra. Các sà lan vẫn nối đuôi nhau chở cát qua khúc sông này, cộng với việc các bãi cát tự phát mọc lên hai bên bờ đã khiến bờ sông ngày càng bị sạt lở. Sống hơn 30 năm tại phường Uyên Hưng (thị xã Tân Uyên), ông Bành Văn Chất thở dài nói: “Tình trạng sạt lở bờ sông khiến gia đình tôi luôn sống trong nỗi lo và mong muốn cơ quan chức năng sớm có chính sách di dời, bố trí đến nơi ở mới an toàn”. Còn bà Thái Thị Thanh Hà (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) chia sẻ: “Khi mùa mưa đến kết hợp triều cường làm đất ở bờ cứ trôi dần xuống sông, khoét sâu tạo thành “hàm ếch”, khiến diện tích đất trồng hoa màu thu hẹp qua từng năm”.

Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi cho biết, thị xã Tân Uyên hiện có 23 điểm sạt lở, trong đó có 21 điểm ảnh hưởng đến nhà ở của người dân. Trong số này còn 16 điểm ven sông Đồng Nai đang tiếp tục sạt lở với tổng chiều dài hơn 4km, ảnh hưởng trực tiếp đến 28 hộ dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có 60 điểm sạt lở ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông và nhà ở của người dân. Cụ thể gồm: Sông Đông Nai có 38 điểm với chiều dài trên 8,1km; sông Sài Gòn có 16 điểm dài hơn 16km (trong đó, huyện Dầu Tiếng có 13 điểm, thành phố Thủ Dầu Một 2 điểm và thành phố Thuận An 1 điểm); sông Thị Tính có 5 điểm dài gần 750m thuộc huyện Dầu Tiếng; sông Bé có 1 điểm dài 500m thuộc huyện Phú Giáo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho hay, dù UBND tỉnh đã cấm khai thác cát trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, đoạn chảy qua địa bàn tỉnh, nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng lén lút khai thác cát trái phép, gây sạt lở bờ sông. Bên cạnh đó, hoạt động của bến thủy nội địa, tốc độ đô thị hóa nhanh, san lấp mặt bằng, xây dựng nhà và công trình lấn chiếm bờ sông… là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ sạt lở. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ lòng và bờ sông cũng như xử lý lấn chiếm chưa được chú ý đúng mức, chưa triệt để.

Trước tình trạng trên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở bờ sông. Đồng thời, triển khai xây dựng bờ kè, cống kiểm soát triều cường tại điểm thường xuyên sạt lở, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông, đê bao ven sông. Trong đó có dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven sông Sài Gòn với diện tích khoảng 2.200ha đất nông nghiệp, vườn cây ăn trái, kết hợp giao thông, chỉnh trang đô thị.

Về lâu dài, để chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 trên địa bàn. Trong đó, Bình Dương đưa ra kế hoạch cụ thể cấp bách và lâu dài nhằm rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường quản lý các hoạt động khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông và xử lý sạt lở bờ sông nhằm chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân và Nhà nước. Cùng với đó, tỉnh sẽ triển khai xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến sạt lở bờ sông, lòng dẫn; chủ động bố trí ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực từ tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi từ công tác phòng, chống sạt lở. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương phối hợp quản lý, phòng chống sạt lở bờ sông, nhằm sớm xử lý tình trạng này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.