(HNM) - Thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu luôn là vấn đề nhức nhối, tạo ra thách thức cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, các cơ quan chức năng của thành phố đang quyết tâm triển khai nhiều giải pháp và kế hoạch phối hợp xử lý để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nhiều khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước với trên 370.000 doanh nghiệp đang hoạt động, cùng hàng trăm nghìn hộ kinh doanh cá thể. Hoạt động kinh tế sôi động đã kéo theo tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Trong quý I-2021, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành hơn 14.900 cuộc kiểm tra đơn ngành và liên ngành, phát hiện 575 vụ vi phạm, chủ yếu là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính nộp ngân sách hơn 17 tỷ đồng.
Điển hình như ngày 14-4-2021, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với lực lượng Công an thành phố Thủ Đức tiến hành kiểm tra, kiểm soát điểm kinh doanh găng tay cao su tại địa chỉ số 25 đường 64, phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 18 thùng (tương đương 18.000 chiếc) găng tay cao su không rõ xuất xứ. Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, triệt phá thành công đường dây kinh doanh rượu ngoại nhập lậu, bán hàng không xuất hóa đơn chứng từ và trốn thuế với quy mô, trị giá hàng hóa vi phạm rất lớn (khoảng 87 tỷ đồng)...
Quá trình kiểm tra, kiểm soát, một trong những khó khăn của cơ quan chức năng khi xử lý hàng gian, hàng giả là công tác quản lý địa bàn dân cư. Nhiều đối tượng buôn bán hàng gian, hàng giả thuê những chung cư cao cấp làm nơi cất trữ hoặc giao dịch, mua bán, trao đổi, nên lực lượng chuyên ngành khó nắm bắt và tiếp cận xử lý. Ngoài ra, công tác đấu tranh chống hàng gian, hàng giả bán qua internet cũng gặp không ít trở ngại. Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng buôn bán hàng gian, hàng giả tạo lập tài khoản bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội với nhân thân giả, khiến cơ quan chức năng khó xác định chính xác đối tượng vi phạm và nơi chứa hàng hóa để kiểm tra, xử lý.
Tăng cường phối hợp xử lý
Để xử lý triệt để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Trương Văn Ba cho hay trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường thành phố tiếp tục chủ động phối hợp với công an các quận, huyện để trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin liên quan đến diễn biến thị trường, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm; phối hợp xử lý vụ việc có tính chất phức tạp...
Còn theo Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, việc kinh doanh hàng hóa trên không gian mạng đang ngày càng nở rộ. Bên cạnh những lợi ích, trong hoạt động thương mại điện tử đã và đang xuất hiện nhiều hành vi gian lận thương mại, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Trong thời gian tới, Công an thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thực hiện các giải pháp ngăn chặn hiệu quả việc lợi dụng công nghệ, không gian mạng để buôn bán hàng lậu, hàng giả..., bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và không gây ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính.
Về công tác quản lý nhà nước, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 thành phố tập trung xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021, đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành chức năng với kết quả trong đấu tranh phòng, chống hàng gian, hàng giả; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “Ban Chỉ đạo 389 thành phố cần chủ động thực hiện tốt công tác phối kết hợp với các bên để phát huy sức mạnh tổng hợp, đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ việc có tính chất phức tạp, nguy hiểm. Các cơ quan chức năng thành phố cũng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân để huy động toàn dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Việc tăng cường tuyên truyền còn để người dân hiểu và không tham gia, không tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả tại thành phố Hồ Chí Minh”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.