Theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong tháng 10, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện trên một số mặt hàng như: Rượu, thuốc lá, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm và đồ điện tử. Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại và các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Cụ thể, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra 2.572 vụ, xử lý 2.295 vụ vi phạm gồm: 232 vụ liên quan đến hàng cấm, hàng lậu, 183 vụ vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ, 1.880 vụ gian lận thương mại. Thông qua hoạt động kiểm tra xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng chức năng đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 294,3 tỷ đồng.
Trong đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã thực hiện 532 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý hành chính 429 vụ và thu phạt 4,876 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên tới 2,850 tỷ đồng. Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện các đợt kiểm tra, xử lý 236 vụ và phạt hành chính 2,922 tỷ đồng, truy thu thuế và thu hồi 13,191 tỷ đồng. Tổng trị giá hàng vi phạm bị phát hiện là 18,145 tỷ đồng, khởi tố 18 vụ với 17 bị can buôn lậu, gian lận thương mại.
Cục Hải quan Hà Nội cũng tăng cường kiểm soát các tuyến, địa bàn và mặt hàng trọng điểm, bao gồm các hàng hóa có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Qua đó phát hiện, xử lý 163 vụ vi phạm, thu giữ lượng hàng hóa nhập lậu trị giá 21,8 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu những tháng cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Công an, Cục Hải quan, Cục Thuế thành phố.
Các lực lượng chức năng sẽ tập trung trọng điểm vào các mặt hàng thiết yếu và có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc lá điện tử, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng và sản phẩm thời trang; các mặt hàng cấm như pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu và các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Đoàn kiểm tra cũng sẽ chú trọng kiểm tra, kiểm soát các nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; nhóm hàng nông sản như gia súc, gia cầm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; các mặt hàng năng lượng như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.