Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thăng Long - Hà Nội, khát vọng tầm cao mới...

Dương Thùy| 11/02/2021 05:22

(HNM) - Những năm qua, các hoạt động đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước luôn có sự đóng góp quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao danh hiệu Thành phố Vì hòa bình và chính thức trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hà Nội không ngừng nỗ lực chủ động hội nhập, khát khao nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới. Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế, giao lưu phát triển kinh tế… góp phần quảng bá hình ảnh một Thủ đô năng động, thân thiện với bạn bè quốc tế.

Ảnh: Phạm Đức Anh

Phát huy truyền thống ngàn năm

Tháng 10-2020, Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là dịp để toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô thể hiện sự đoàn kết một lòng, tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng nhân dân cả nước vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế.

Thực tế, khi hội nhập và hợp tác đa phương trở thành xu hướng chủ đạo của thế giới, Hà Nội đã có nhiều bước đi đột phá, hòa mình vào dòng chảy của thời đại, nắm bắt những cơ hội mà hội nhập mang lại. Các hoạt động nhân kỷ niệm các dấu mốc lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế được tổ chức thời gian qua không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa của người dân Hà Nội mà còn quảng bá hình ảnh Thủ đô giàu truyền thống qua nghìn năm tuổi. Với phương châm sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, hiện tại Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước. Trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn, như Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai (tháng 2-2019), hay Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" (tháng 6-2020), có một ý nghĩa biểu tượng, lan tỏa mạnh mẽ, cho thấy năng lực, sự tin tưởng, uy tín của Hà Nội trong các sự kiện lớn, cũng là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn nhờ môi trường hòa bình và ổn định. Có thể khẳng định, đây là "trái ngọt" cho cả quá trình Hà Nội nỗ lực chủ động, tích cực hội nhập. Kết quả trong năm 2020, Hà Nội thu hút khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm do đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016-2020, ước tính Hà Nội thu hút 25 tỷ USD FDI và là điểm sáng trên phạm vi cả nước. Liên tiếp 2 năm 2018 và 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn này. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thành phố xác định mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu hút 30-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20-30 tỷ USD.

Công tác đối ngoại của Thủ đô mang tính đặc thù, không chỉ với tư cách một thành phố mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước. Các chủ trương về hội nhập quốc tế được đề cập tại nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng, trong đó xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Bằng thiện chí hợp tác chân thành, lãnh đạo và người dân Thủ đô đã truyền tải thông điệp quan trọng, đó là Hà Nội luôn chào đón và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu thị trường, đầu tư trên địa bàn, khuyến khích và tích cực hỗ trợ các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, môi trường... Chính nhờ những nỗ lực ấy, sau 20 năm được đón nhận Thành phố Vì hòa bình, Thủ đô tiếp tục được UNESCO vinh danh danh hiệu Thành phố sáng tạo. Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft, UNESCO đã xây dựng đề án hướng tới mục tiêu đưa Hà Nội từ Thành phố sáng tạo thành Trung tâm sáng tạo, xây dựng hình ảnh Hà Nội của thế kỷ XXI năng động, sáng tạo, hiện đại, sánh ngang với các đô thị hàng đầu trên thế giới.

Khẳng định tầm vóc, vị thế mới của Thủ đô

Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” hồi tháng 6-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, với vị thế mới, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử 1010 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.

Để thực hiện khát vọng này, Hà Nội đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô trong quá trình hội nhập quốc tế và thể hiện sâu sắc trong Báo cáo chính trị, cụ thể hóa trong chủ đề Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Theo đó, 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, mục tiêu là ngang tầm các quốc gia châu Á và đến năm 2045 hướng tới hội nhập cạnh tranh toàn cầu. Nhiệm vụ này mở ra cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân cần giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối ngoại, vừa phát huy thế mạnh của hoạt động là hướng tới mọi tầng lớp nhân dân trong nước và quốc tế. Thành phố Hà Nội cũng xác định và đề ra chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị; của Chính phủ, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh tin tưởng và lựa chọn đầu tư; đồng thời quyết liệt cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã tham gia vào mạng lưới trên 240 thành phố của 84 quốc gia coi sáng tạo là nhân tố chiến lược cho phát triển bền vững, mở ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo với các thành phố sáng tạo toàn cầu như Berlin (Đức), Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore… Với định vị Thành phố sáng tạo; sở hữu những giá trị văn hóa đặc sắc cùng hàng trăm làng nghề, giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo, trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ coi hội nhập là động lực của sự phát triển bền vững. Những giá trị truyền thống Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị được tiếp nối bằng tinh thần đổi mới, khát vọng sáng tạo để Hà Nội mạnh mẽ phát triển lên tầm cao mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây chính là bản lĩnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để Thủ đô sớm thành trung tâm đổi mới, sáng tạo của đất nước cũng như khu vực Đông Nam Á, với những giá trị văn hiến, nhân văn sâu sắc...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăng Long - Hà Nội, khát vọng tầm cao mới...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.