Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham gia giải quyết hiệu quả bức xúc trong đời sống

Phạm Thanh Học| 01/08/2020 07:15

(HNM) - Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nên luôn tiềm ẩn mâu thuẫn phát sinh trong xã hội, nhất là trên các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý đô thị, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, môi trường..., do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Trong bối cảnh đó, sự phối hợp chủ động giữa ngành Tuyên giáo với chính quyền các cấp đã đạt kết quả tích cực, góp phần giải quyết nhiều bức xúc, “điểm nóng” trên địa bàn Thủ đô.

Cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chương Mỹ cập nhật thông tin các vụ việc nhạy cảm, kịp thời phối hợp giải quyết những bức xúc của người dân trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt.

1. Thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị sớm thực hiện nghiêm túc, bài bản Quyết định số 221-QĐ/TƯ ngày 27-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về việc ban hành “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”. Từ hướng dẫn của Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã báo cáo Thường trực Thành ủy; chủ động xây dựng nội dung chương trình phối hợp tổng thể giai đoạn 5 năm với UBND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Công an thành phố...

Hằng năm, nhằm cụ thể hóa các nội dung phối hợp, Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cơ quan quản lý cùng cấp đã ký kết kế hoạch phối hợp để chỉ đạo thông tin, cung cấp thông tin, tuyên truyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và định hướng kịp thời các vụ việc bức xúc trong dư luận nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. UBND các cấp chủ động phối hợp với hệ thống tuyên giáo, chỉ đạo các đơn vị liên quan căn cứ ý kiến góp ý của các cơ quan tuyên giáo làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phối hợp khi thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Trong đó, chú trọng các lĩnh vực như: Xây dựng và quản lý đô thị, quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình trọng điểm có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng; tham gia thẩm định, phê duyệt nội dung chính trị tư tưởng đối với các dự án, đề án...

Hơn 10 năm qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tham mưu và tham gia tổ chức nhiều cuộc họp báo để chỉ đạo, cung cấp thông tin định hướng kịp thời dư luận về các vấn đề như: Những vụ việc nổi cộm của ngành Giáo dục, Y tế; “đường cong dát vàng” ở phường Bồ Đề (quận Long Biên); việc quy hoạch, sắp xếp lại Bến xe Mỹ Đình; vi phạm trật tự xây dựng tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì); bảo tồn và phát triển di sản văn hóa ở chùa Trăm Gian, làng cổ Đường Lâm...; tổ chức đối thoại trực tiếp tại hiện trường với phóng viên liên quan đến việc: Giải phóng mặt bằng quy tập khu mộ khô tại Tứ Kỳ và đường Vành đai 2,5 (quận Hoàng Mai); nút giao thông Đàn Xã Tắc (Ô Chợ Dừa); vấn đề tôn giáo ở Núi Chẽ, an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức)... Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng chủ trì, phối hợp tổ chức 41 cuộc điều tra xã hội, định hướng dư luận; tham mưu, đề xuất các giải pháp ngăn chặn hiệu quả những cuộc tụ tập, biểu tình tự phát.

Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TƯ cho thấy, công tác phối hợp trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết bức xúc của nhân dân là rất cần thiết, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện các nội dung công việc ở cả Ban Tuyên giáo và UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả. Nhờ đó, nhận thức về vai trò công tác tuyên truyền trong định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội được nâng lên, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.

2. Quá trình triển khai công tác phối hợp giải quyết những bức xúc trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện; đồng thời bám sát sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy để tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết bức xúc của nhân dân. Chủ động, kịp thời cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ chính trị của địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp ngay từ đầu năm, nội dung phối hợp rõ ràng, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hai là, dự báo được tình hình, công tác tuyên truyền, vận động phải đi trước một bước và cung cấp thông tin kịp thời. Lựa chọn đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong từng lĩnh vực, từng thời điểm để phối hợp tuyên truyền theo phương châm đồng bộ, hiệu quả, thiết thực; phân công cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, tránh phát sinh thành điểm nóng; chủ động đối diện với thực tiễn, không né tránh những vấn đề phát sinh khó khăn, phức tạp để tập trung giải quyết đến cùng; chủ động, nắm bắt thông tin, các vấn đề dư luận quan tâm, tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp, các ngành để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Ba là, cần thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng, thực hiện tốt quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Những năm qua, hệ thống tuyên giáo Thủ đô phối hợp tổ chức hàng nghìn hội nghị, biên soạn hàng trăm ấn phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền vận động; có hàng nghìn bài viết trên các lĩnh vực để tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, hệ thống đài phát thanh, mạng xã hội; thông qua các hội nghị, sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chi, tổ, hội, sinh hoạt câu lạc bộ, thi tìm hiểu, các lớp tập huấn...

Bốn là, trước các vấn đề phức tạp, cấp ủy phải đứng ra chỉ đạo giải quyết. Cấp ủy chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện tháo gỡ kịp thời những vấn đề bức xúc mới nảy sinh ở địa phương; sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tập thể và cá nhân để tồn tại bức xúc kéo dài trong nhân dân...

Năm là, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thực hiện đồng bộ giải pháp và các chương trình phát triển kinh tế gắn với chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền ở những thời điểm, vụ việc nhạy cảm, quan trọng.

… Làm tốt những nội dung trên sẽ góp phần phối hợp giải quyết hiệu quả những bức xúc trên địa bàn Thủ đô cả trước mắt cũng như lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia giải quyết hiệu quả bức xúc trong đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.