Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức với chính sách Abenomics

Đình Hiệp| 18/11/2015 06:20

(HNM) - Quyết tâm nhanh chóng đưa nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc thoát khỏi tình trạng trì trệ sau nhiều năm chìm trong vòng xoáy giảm phát của Thủ tướng Shinzo Abe đã không như kỳ vọng.


Theo số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng 16-11, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý III đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước sau khi giảm 0,7% trong quý II. Sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á đặt ra cho chính phủ của Thủ tướng S.Abe không ít thách thức trong nỗ lực duy trì chính sách Abenomics phiên bản mới với nhiều tham vọng sau hơn 2 năm khởi xướng.

Người dân thắt chặt chi tiêu khiến kinh tế Nhật Bản suy giảm.



Như vậy kể từ khi Thủ tướng S.Abe lên nắm quyền vào tháng 12-2012 đến nay, nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm 5/11 quý. Nếu nhìn từ góc độ kỹ thuật, tăng trưởng GDP của Nhật Bản suy giảm trong hai quý liên tiếp cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái. Điều khiến dư luận quan tâm là mức suy giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế gần 130 triệu dân trong quý III vừa qua mạnh hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,2% mà các nhà phân tích đưa ra trước đó. Trong đó môi trường đầu tư sa sút và hoạt động giảm hàng tồn kho của các công ty được xem là nguyên nhân trực tiếp đẩy kinh tế Nhật Bản rơi vào trì trệ. Cùng với đó, việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và triển vọng tăng trưởng yếu của kinh tế thế giới cũng là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Nhật Bản hạn chế chi tiêu, thu hẹp sản xuất.

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chưa thực sự chắc chắn, đặc biệt là những tác động trực tiếp của nền kinh tế láng giềng Trung Quốc giảm phát, nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc rơi vào suy thoái là điều được dự báo. Mấy tháng gần đây nền kinh tế Nhật Bản liên tục phát đi những tín hiệu xấu khi các chỉ số đều giảm mạnh. Căn cứ vào tình hình thực tế này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), trong cuộc họp cuối tháng 10 vừa qua, đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản xuống còn 1,2% trong tài khóa 2015; đồng thời kéo dài thời gian đặt ra trước đó nhằm đạt mức lạm phát 2%. Trong báo cáo triển vọng kinh tế định kỳ nửa năm/lần, BOJ dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong tài khóa 2015 (tính đến tháng 3-2016) chỉ đạt 1,2%/năm và năm sau đạt 1,4%, lần lượt giảm so với mức 1,7% và 1,5% trong dự báo trước.

Báo cáo trên của BOJ được đưa ra sau khi các dữ liệu của chính phủ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 tiếp tục giảm và đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp, xuống còn 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái do giá dầu thô liên tục giảm. Đây cũng là lý do khiến BOJ giảm dự báo lạm phát trong tài khóa hiện nay xuống còn 0,1% (từ mức 0,7% trong dự báo hồi tháng 7 vừa qua) và giảm dự báo lạm phát trong tài khóa 2016 xuống còn 1,4% (từ mức 1,9% trong dự báo trước). Bên cạnh đó, BOJ cũng đặt mục tiêu đạt mức lạm phát 2% trong 6 tháng cuối tài khóa 2016 (tức là tính đến tháng 3-2017), kéo dài thêm nửa năm so với dự báo trước. Dù CPI hiện vẫn còn xa so với mục tiêu lạm phát 2% nhưng BOJ nhận định xu hướng lạm phát nói chung sẽ được cải thiện, vì giá các loại hàng hóa không kể thực phẩm tươi sống và năng lượng đang tăng khoảng 1%.

Khi mới lên nhậm chức, Thủ tướng S.Abe đã thu hút sự chú ý của dư luận với chính sách kích thích kinh tế táo bạo mang tên Abenomics phiên bản 1.0 (giai đoạn một) với ba mũi tên là ngân sách, tiền tệ và cải cách. Vì thế, nhà lãnh đạo xứ Phù tang đã áp dụng các chính sách kích thích lạm phát khiến đồng yên giảm giá, từ đó hỗ trợ cho xuất khẩu và thúc đẩy lợi nhuận mà các công ty Nhật Bản chuyển từ nước ngoài về nước. Với ba mục tiêu gồm tăng trưởng GDP 600 nghìn tỷ yên so với con số GDP 490.000 tỷ yên của Nhật Bản trong năm tài khóa 2014; tăng cường các biện pháp hỗ trợ nuôi và sinh con; cải thiện an sinh xã hội, phiên bản 2.0 (giai đoạn hai) của chính sách Abenomics vừa được Thủ tướng S.Abe khởi động, hướng đến những mục tiêu tham vọng và dài hạn hơn. Ba mũi tên mới của Abenomics là sự khác biệt lớn trong chính sách kinh tế của Nhật Bản so với trước đây. Thế nhưng, việc nền kinh tế nước này lần thứ hai rơi vào suy thoái có thể sẽ gia tăng áp lực buộc Thủ tướng S.Abe và Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda tăng cường các biện pháp kích thích tăng trưởng bằng chính sách tài khóa và tiền tệ. Giới phân tích cho rằng, dù nền kinh tế Nhật Bản đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất khi tăng trưởng âm, nhưng sự suy giảm tăng trưởng trong hai quý liên tiếp vừa qua vẫn là một trải nghiệm không mấy dễ chịu của Thủ tướng S.Abe trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tiến lên phía trước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thách thức với chính sách Abenomics

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.