Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tất cả cùng thắng

Hoàng Lê| 05/11/2021 13:32

(HNMCT) - Lịch sử dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) tại Việt Nam đã trải qua vài chục năm, như VTVcab là từ năm 1995. Chừng ấy năm đủ để các đơn vị tiến lên hiện đại với dấu ấn dễ thấy thuộc mảng truyền hình trực tiếp các giải đấu thể thao quốc tế. Chỉ có điều, cho đến nay vẫn thấy tiếc nuối về mảng này khi một số đơn vị THTT chưa thể hiện tinh thần hợp tác giữa họ với nhau để phục vụ thuê bao một cách tốt hơn trên tinh thần “tất cả cùng thắng”.

Bóng đá Anh có 3 giải quan trọng là giải Ngoại hạng Anh (EPL), FA Cup, Carabao Cup; sóng truyền hình sang Việt Nam chia vào 3 “nhà”, lần lượt là K+, FPT Play, VTVcab. Bóng đá châu Âu có 5 giải quốc gia đáng xem, đều xuất hiện ở Việt Nam qua sóng truyền hình trực tiếp, ngoài EPL “của” K+ thì giải Tây Ban Nha, Italia, Pháp đều “vào” VTVcab. Trên VTVcab còn có thể xem giải vô địch quốc gia Đức và một số giải ở Nam Mỹ... Còn hai giải đấu quan trọng khác - UEFA Champions League, Europa League là hàng độc quyền của Truyền hình FPT từ mùa giải này, đến nay vẫn chưa chia sẻ cho bên nào. Đó là chưa kể các giải thể thao thế giới được nhiều người quan tâm như quần vợt, bóng chuyền, golf, cầu lông, đua xe... đang là món riêng của một số đơn vị, không phải thích là xem được nếu không thuộc thuê bao của bên nắm bản quyền hoặc được chia sẻ bản quyền. Bởi thế, suốt một khoảng thời gian dài cho đến nay, việc chọn xem gì, chọn đơn vị nào để ký hợp đồng là điều khiến nhiều người đau đầu.

Nhà tôi theo VTVcab từ năm 2005. Đến 2010, khi bản quyền EPL sang tay K+ thì phải thêm đầu thu của họ, may có ban công đúng hướng nên giương ăng ten lên là thu được tín hiệu. Sau này, khi K+ cho phép thuê bao VTVcab tích hợp 4 kênh K+ thì không cần ký hợp đồng tiếp nữa, chỉ trả một khoản phí qua VTVcab là được xem. Thở phào, bởi đỡ lỉnh kỉnh đủ loại đầu thu, ăng ten, lại tiết kiệm được một khoản.

Tưởng đã yên thì năm nay xuất hiện Truyền hình FPT độc quyền phát sóng trực tiếp UEFA Champions League, Europa League… Mối băn khoăn cũ quay lại: Có nên “đón” thêm đầu thu về nhà, và có đủ tiền để “nuôi thêm một ông nữa” trong bối cảnh nhà nhà gặp khó do dịch Covid-19?

Mối lo chẳng của riêng ai. Nhà đài có thể yên tâm với “món” độc quyền nhưng thuê bao thì không. Ngày Hà Nội bỏ giãn cách, bạn tôi đến chơi có nói chuyện này, rằng nhà anh đấu khẩu dữ dội chỉ vì câu hỏi “xem hay không xem?”. Anh chồng “ủ mưu” để làm sao xem được nhiều giải thể thao mà mình yêu thích. Nhưng ở đây, “ngon bổ rẻ” là mơ ước viển vông, bởi chỉ riêng hai “món tủ” là EPL và UEFA Champions League đã buộc anh phải “mua” cả K+ và Truyền hình FPT; hoặc chọn VTVcab cộng trả thêm phí dịch vụ để được tích hợp 4 kênh K+ rồi “đèo” thêm hợp đồng với Truyền hình FPT bởi đơn vị này chưa chia sẻ sóng UEFA Champions League với các đơn vị khác. Thêm kênh thì thêm tiền, thêm thiết bị đi kèm, chị vợ nhất quyết không chi...

Trong bối cảnh năng lực tự sản xuất chương trình của các đơn vị cung cấp dịch vụ THTT là không cao, đa số chương trình ăn khách mua từ nước ngoài “giống nhau như đúc”, dĩ nhiên bản quyền truyền hình trực tiếp các giải bóng đá hàng đầu thế giới trở thành món hàng “hot”, là nguồn sống của nhiều đơn vị. Nhưng mỗi nơi giữ “một mảnh” của miếng bánh thì thuê bao của họ nghĩ gì, có thể làm gì, nhất là trong tương lai tình huống cạnh tranh mạnh mẽ hơn có thể xuất hiện ở các môn thể thao khác, đặc biệt là quần vợt, bóng chuyền, cầu lông, quyền Anh...?

Các đơn vị THTT có quyền độc quyền. Nhưng giữ khư khư hàng “hot” không phải là cách ứng xử tối ưu, bởi trong ngắn hạn đó là cách để tăng lượng thuê bao nhưng về lâu dài, đặc biệt là khi mất món hàng “hot” đó thì đơn vị THTT dễ bị giảm uy tín, ảnh hưởng tới thương hiệu, mất khách hàng. Bởi vậy, nên hướng tới mục tiêu “cùng thắng” bằng cách mở rộng khả năng chọn lựa và quyền tiếp cận cho khách hàng, phối hợp tốt với các đơn vị khác trong hệ thống THTT để phục vụ khách hàng tốt hơn thay vì hướng tới mục tiêu ngắn hạn. Đó là giải pháp phát triển được ủng hộ, là biểu hiện đạo đức kinh doanh, thể hiện văn hóa doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tất cả cùng thắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.