(HNM) - Yêu cầu tăng trưởng nhanh hơn đang là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, nhằm
Những cố gắng đáng ghi nhận
Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước phải được quan tâm thỏa đáng, tôn trọng trong quá trình giải quyết thủ tục cho DN. Trong đó, các ngành chức năng cần làm tốt một số thủ tục liên quan đến quản lý DN, thuế và hải quan. Đây là những lĩnh vực tiên phong, không thể chậm trễ để trợ giúp DN trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Một số chuyên gia cũng như cộng đồng DN xác nhận, đến nay cơ quan thuế và hải quan đã có chuyển biến khá mạnh và liên tục. Cụ thể, chỉ số về nộp thuế của Việt Nam đã từ hạng 172 lên 168 và góp phần đưa Việt Nam lên vị trí 90/189 về năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh thế giới. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế là yêu cầu liên tục, xuyên suốt của ngành chức năng; trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tin học. Đến nay, hệ thống kê khai thuế điện tử đã triển khai đến cả 63 tỉnh, thành phố với hơn 506.000 DN, tức đạt tỷ lệ gần 99% tổng số DN đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng. Một số địa phương áp dụng tốt và đạt kết quả cao nhất là Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Người dân tới nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Hoàng Mai. Ảnh: Nhật Nam |
Theo VCCI, phần lớn DN được hỏi đã thỏa mãn với nhu cầu tiếp cận thông tin về thủ tục hải quan, chủ yếu thông qua các phương tiện hiện đại như internet, nghe nhìn, lớp tập huấn bên cạnh việc ghi nhận chất lượng dịch vụ công về hải quan cũng chuyển biến khá tích cực. Bên cạnh đó, nhiều DN xác nhận, nhìn chung cán bộ, nhân viên ngành hải quan am hiểu nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc chuyên môn khá và tốt. Bộ Tài chính cũng xác nhận, sẽ tăng tốc cải cách thủ tục hành chính, kiên trì việc triển khai rộng rãi và nhân rộng mô hình "một cửa" trong thời gian tới.
Như vậy, đà cải cách hành chính vẫn đang tiếp tục và không ngừng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động; qua đó nâng cao thứ hạng cũng như sức cạnh tranh của môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam. Điều này rất quan trọng, bởi nó là "thước đo" cụ thể, là thông tin đầu vào để các DN, nhất là DN nước ngoài đối chiếu, đi đến quyết định có thể làm ăn lâu dài ở Việt Nam.
Nhưng vẫn còn khoảng cách...
Những nỗ lực của các cơ quan chức năng là đáng ghi nhận, nhưng chưa đáp ứng hết mong mỏi của DN. Một số DN cho rằng, vẫn còn tình trạng gây phiền hà, mất thời gian và chi phí không đáng có đối với hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Đặc biệt, 28% số DN xác nhận họ phải chi phí những khoản ngoài quy định khi làm thủ tục hành chính hoặc giao dịch, đồng thời có tâm lý e ngại sẽ bị phân biệt đối xử nếu không "biết điều". Vấn đề ở đây là vẫn còn một khoảng cách so với mong đợi của DN và cơ quan quản lý cần sự nỗ lực hơn nữa, tiến tới giảm thiểu và triệt tiêu các hành động tiêu cực. Các ngành liên quan chặt chẽ đến sự vận hành của DN như Kế hoạch và Đầu tư, Thuế, Hải quan cần xác định rõ mục tiêu lấy DN làm đối tượng phục vụ, đáp ứng tối đa yêu cầu của cộng đồng DN cũng như việc xích lại gần với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế là sự bắt buộc, không thể trì hoãn.
Đại diện Bộ Tài chính xác nhận, việc thực hiện cải cách hành chính nói chung là nhiệm vụ nặng nề, đầy thách thức, nhưng rất cần thiết để hỗ trợ DN, phát huy nguồn lực xã hội, tạo sức tăng trưởng cho GDP. Nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 300 tỷ USD trong 10 tháng qua và điều đó cho thấy khối lượng công việc rất lớn cũng như tầm quan trọng của các ngành hữu quan. Trong tương lai gần, các ngành chức năng sẽ chủ động thiết lập, kết nối với hệ thống thông tin, trao đổi dữ liệu với hệ thống quản lý của khu vực và các đối tác đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam để nâng cao chất lượng phục vụ lên một bước, theo hướng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Về phía mình, DN đang kỳ vọng vào sự cầu thị, quyết tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng DN từ phía cơ quan quản lý. DN mong muốn các ngành chức năng thường xuyên rà soát các văn bản, thủ tục để kịp thời đánh giá, cân nhắc nhằm xóa bỏ những hoạt động, thủ tục bất hợp lý; nhất là việc chủ động phát hiện và kiên quyết xóa bỏ tình trạng "giấy phép con".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.