(HNM) - Thời điểm hiện tại, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất của 50 chủ thể có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận giai đoạn 2018-2020.
Tương tự, nhiều tỉnh, thành phố cũng đẩy mạnh công tác "hậu kiểm" nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng; đồng thời hỗ trợ các chủ thể duy trì chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP.
Thực tế cho thấy, sau khi được xếp hạng “sao”, nhiều chủ thể OCOP đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm như đã công bố hoặc không duy trì được sản phẩm; bao bì, nhãn mác sản phẩm bán ra thị trường không có bộ nhận diện theo quy định của Chương trình mỗi xã một sản phẩm…
Do vậy, có thể nhận định, công tác "hậu kiểm" chính là khâu “then chốt” trong việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Thông qua các hoạt động thanh tra, giám sát, cơ quan chức năng không chỉ phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm quy định của pháp luật mà còn hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc hoàn thiện sản phẩm; xây dựng, củng cố thương hiệu...; qua đó nâng cao giá trị, cũng như uy tín của sản phẩm OCOP trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để duy trì chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận, xếp hạng… cơ quan chức năng của Hà Nội và các địa phương cần chủ động phối hợp, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết phải coi hậu kiểm các sản phẩm OCOP là công việc thường xuyên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương; qua đó, chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường kỳ các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi các sản phẩm xếp hạng “sao” nhưng không duy trì được chất lượng theo quy chuẩn. Cùng với đó là hỗ trợ các chủ thể triển khai đồng bộ giải pháp quản lý quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn đã công bố, bảo đảm uy tín của sản phẩm OCOP đối với các nhà phân phối và người tiêu dùng.
Cùng với tăng cường hướng dẫn các chủ thể đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, sở hữu trí tuệ… là đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số để kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP. Bởi khi các chủ thể tham gia vào hệ thống dữ liệu, cơ quan chức năng có thể giám sát quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm mới; đồng thời tiếp nhận phản hồi của khách hàng…
Và vấn đề quan trọng nhất là các chủ thể phải ý thức được chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn để có kế hoạch đầu tư hệ thống giám sát hàng hóa, từ nguyên liệu đến thành phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ "đầu ra", dán tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP trước khi lưu thông trên thị trường, bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt là chú trọng việc công bố cho các nhà phân phối, người tiêu dùng khi có thay đổi về mẫu mã sản phẩm, chất lượng hàng hóa… để tạo sự tin cậy giữa các bên liên quan.
Sự nỗ lực của các nhà sản xuất trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như quyết tâm của cơ quan quản lý trong công tác "hậu kiểm" sẽ đem lại những giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Và thực tế cho thấy, chỉ khi khẳng định được chất lượng và thương hiệu, sản phẩm OCOP mới có được niềm tin, giành được vị thế xứng đáng trên một thị trường mở, giàu tính cạnh tranh như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.