(HNMO) - Tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô; các văn bản của Trung ương, thành phố Hà Nội về công tác lập Quy hoạch Thủ đô; sự tích cực tham gia thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô của cả hệ thống chính trị thành phố… là tinh thần nêu trong Kế hoạch số 327/KH-UBND (ngày 15-12-2022) của UBND thành phố Hà Nội về thông tin, tuyên truyền công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nêu rõ, tuyên truyền về công tác chuẩn bị các nội dung phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để xây dựng khung định hướng Quy hoạch Thủ đô giai 2021-2030; công tác khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác lập quy hoạch giai đoạn tới.
Đáng chú ý, trong tuyên truyền các nội dung triển khai thực hiện báo cáo lập Quy hoạch Thủ đô đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ, hoàn thiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô cần phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển; các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở cho việc lập Quy hoạch Thủ đô; các định hướng lớn; ý kiến chuyên môn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; hệ thống dữ liệu cần thu thập; khung định hướng Quy hoạch Thủ đô.
Cùng với đó, tuyên truyền công tác rà soát, nghiên cứu, thống nhất các nội dung quy hoạch tại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2-12-2019 và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 15-9-2020 của Chính phủ; kết luận phương án, nội dung tích hợp do các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã đề xuất; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch do các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã xây dựng theo Luật Quy hoạch; kết luận thống nhất các vấn đề liên ngành nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của quy hoạch, nội dung của dự thảo quy hoạch; hoàn thiện quy hoạch. Đặc biệt là tuyên truyền sau khi Quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thông qua công tác tuyên truyền nhằm giúp các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn Thủ đô hiểu, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội; huy động sự tham gia góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp, nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân; tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.