Là một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, với Hà Nội, văn hóa là yếu tố cốt lõi cần nhấn mạnh khi xây dựng quy hoạch thành phố. Hànộimới Cuối tuần trân trọng giới thiệu một số ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.
GS.TS Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia:
Đô thị không chỉ là nơi ở
Một cách tiếp cận của quản lý đô thị là hướng tới cảm giác hạnh phúc của người dân thông qua gia tăng sự yêu mến và gắn bó của họ với nơi họ sống. Cơ quan quản lý nhà nước sử dụng các công cụ để gắn kết mối quan hệ giữa người dân với từng bộ phận và hoạt động của đô thị, từ di tích lịch sử, danh thắng, quán ăn, hiệu sách, khung cảnh phố phường... cho tới các hoạt động thường ngày như cư ngụ, vui chơi và làm việc.
Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều đặc điểm và giá trị của đô thị hình thành và biến đổi liên tục, quản lý đô thị cần phải hướng tới mục tiêu đưa đô thị trở thành nơi chốn bình yên. “Đô thị, với tư cách không chỉ là nơi ở, cần phải tạo dựng, duy trì và phát triển được bản sắc của riêng mình.
Tuy nhiên, bản sắc đô thị là một khái niệm rất khó xác định, không dễ dàng thu gọn, cũng không dễ dàng tách biệt thành các giá trị đơn lẻ. Do đó, phát triển Thủ đô Hà Nội cần quan tâm tới các yếu tố liên quan tới sự phát triển của từng cá nhân và cộng đồng như sinh kế, sức khỏe, giáo dục, an toàn; bảo đảm môi trường sống tốt bao gồm không khí, nguồn nước, xử lý chất thải; nâng cao đời sống văn hóa, xã hội; tăng cường sự tham gia của người dân đối với các vấn đề lớn của đô thị.
Bản sắc không thể tạo ra một cách duy ý trí trong khoảng thời gian ngắn, mà phải được hun đúc và nuôi dưỡng từ lịch sử của đô thị và từ văn hóa, lối sống của cư dân qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Một Hà Nội đáng sống phải kết nối được lịch sử với hiện tại và tương lai, giữ gìn được cả giá trị vật chất và tinh thần cho các thế hệ mai sau.
PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Đảm bảo tính thống nhất và tính đa dạng văn hóa
Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, là nơi tập trung các bảo tàng lớn của đất nước, nhiều làng nghề nổi tiếng cùng nhiều sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc sắc, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn hóa dân gian hấp dẫn. Vì vậy, quy hoạch đô thị trước hết cần bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di sản này. Việc tích hợp các giá trị văn hóa - lịch sử vào xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cần có tầm nhìn chiến lược vừa sâu rộng, vừa cụ thể.
Để tích hợp các giá trị văn hóa và lịch sử vào quy hoạch và phát triển đô thị hiện đại, bền vững và thông minh, thành phố cần chú ý bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa một cách cẩn thận, khắc phục xu hướng cách tân, làm mới di sản. Các công trình này có thể được sử dụng đồng thời cho các mục đích văn hóa, giáo dục và du lịch.
Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố sáng tạo. Do đó, cần phát triển các không gian văn hóa sáng tạo và các vùng văn hóa khác nhau trên địa bàn thành phố, nơi các nghệ sĩ và nhóm nghệ thuật có thể sáng tạo và biểu diễn. Thành phố cần khuyến khích nghệ thuật đường phố và triển lãm nghệ thuật công cộng, các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch văn hóa.
Ngoài ra, cần khuyến khích các sự kiện văn hóa và lễ hội, ẩm thực truyền thống; xây dựng và phát triển các khu vực đặc trưng văn hóa; giáo dục và thúc đẩy nhận thức về giá trị của di sản văn hóa; tương tác và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương và người dân để quy hoạch và phát triển đô thị phản ánh và phục vụ đa dạng văn hóa của thành phố, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân - chủ thể của quy hoạch đô thị; xem xét cách bảo tồn và tích hợp các yếu tố văn hóa truyền thống vào các dự án phát triển đô thị mới hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội:
Cơ hội "vàng" để Hà Nội hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu
Đánh giá một cách khách quan, thành phố Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của “một trung tâm lớn về văn hóa”, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm văn hóa đặc trưng mang “thương hiệu” Hà Nội. Nguyên nhân quan trọng nhất là thành phố chưa có một quy hoạch tổng thể cho sự phát triển.
Rất may mắn, thậm chí có thể gọi là “cơ hội” khi Hà Nội được làm 3 việc lớn vào cùng thời điểm: Lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065, và sửa đổi Luật Thủ đô 2012. Đây sẽ là “thời cơ vàng” để thành phố cụ thể hóa tầm nhìn, mục tiêu và đề xuất những cơ chế đặc thù, thực hiện những giải pháp phù hợp.
Lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thành phố cần tổ chức các không gian văn hóa và tạo sự kết nối, liên kết các không gian ấy trên cơ sở cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, để vừa giữ gìn di sản vừa tạo dựng những công trình kiến trúc mới, mang dấu ấn của thời đại.
Hiểu theo nghĩa chung nhất, không gian văn hóa là địa điểm, khu vực tập trung các giá trị văn hóa, nơi diễn ra các thực hành văn hóa hoặc liên quan đến văn hóa, gắn với một cộng đồng dân cư cụ thể. Như vậy, có thể coi cả Hà Nội là một không gian văn hóa lớn với những đặc trưng tiêu biểu, riêng có. Vì thế, Quy hoạch cần coi văn hóa đó là yếu tố được tính đến đầu tiên khi tổ chức các không gian, hạ tầng kỹ thuật không chỉ riêng trong lĩnh vực văn hóa mà của cả các ngành, lĩnh vực khác. Đây sẽ là điểm khác biệt của Quy hoạch Thủ đô so với quy hoạch các địa phương khác trong cả nước, nhưng phù hợp và cần thiết với thành phố Hà Nội.
Hà Nội cần quy hoạch, mở rộng các công viên đã có, xây dựng thêm những công viên mới và biến chúng thành công viên văn hóa bằng cách tổ chức, trình diễn các loại hình nghệ thuật công cộng, tổ chức các festival cộng đồng, tạo lập các phù điêu, tranh tường... để mỗi công viên trở thành một trung tâm sáng tạo. Cần quy hoạch lại hệ thống bảo tàng theo hướng giảm đầu mối, tăng diện tích, mở rộng tính chất tổng hợp trong trưng bày; xây dựng trung tâm hội chợ và triển lãm đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập.
Hà Nội cần có một công trình/tổ hợp công trình nghệ thuật để có thể biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác nhau; xây dựng trung tâm nghệ thuật biểu diễn có quy mô dành để biểu diễn và bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, cũng cần có thêm nơi biểu diễn âm nhạc và nghệ thuật đương đại. Một Thủ đô, với tầm nhìn và mục tiêu “phát triển ngang tầm với các thủ đô trong khu vực” và là “thành phố kết nối toàn cầu” thì không thể không có những thiết chế văn hóa này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.