Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nền tảng bền vững

Thiện Mỹ| 27/12/2021 06:06

(HNM) - Những sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xuất khẩu thời gian qua đều đáp ứng yêu cầu minh bạch về nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, đặc biệt là quy trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt. Do đó, việc cấp mã số quản lý cho vùng trồng trọt, chăn nuôi là yêu cầu phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Quản lý sản phẩm nông nghiệp theo mã số hiện đã được nhiều địa phương áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Với thành phố Hà Nội, lợi ích này đã thấy rõ ở những vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu đến những thị trường khó tính như: Mỹ, Ba Lan, Australia... Tương tự, sản phẩm chăn nuôi của nhiều doanh nghiệp khi được quản lý trong vùng an toàn dịch bệnh cũng đã có chỗ đứng ở những thị trường giàu tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...

Với hiệu quả này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã có 3.500 mã số vùng trồng và 2.285 cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được cấp thẩm quyền cấp phép. Đây là “hạt nhân” để gây dựng các vùng sản xuất chuyên nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, việc cấp mã số chưa phát triển mạnh và thiếu đồng đều. Rào cản lớn nhất dẫn đến tình trạng này nằm ở chính nhận thức của người sản xuất khi còn thụ động trong triển khai; chưa tự giác thực hiện đúng các quy định với mã số được cấp... Một số cơ quan chức năng chưa sát sao trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm được cấp mã số...

Với một nước mà nền nông nghiệp có thế mạnh như Việt Nam, việc cấp mã số cho các vùng hàng hóa càng triển khai nhanh, sẽ càng mang lại nhiều lợi thế, thời cơ.

Đáp ứng tốt hơn yêu cầu này, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đơn giản hóa hồ sơ cấp mã số để người nông dân không ngại thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn việc đăng ký mã số vùng trồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là mã vùng trồng theo tiêu chuẩn của những thị trường nhập khẩu lớn.

Với những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, mã số được cấp cho các cơ sở sản xuất, chế biến có giá trị như một “giấy thông hành” để sản phẩm hàng hóa chiếm lĩnh thị trường. Do đó, cấp thẩm quyền cần cập nhật thường xuyên, xây dựng danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và những thị trường mà Việt Nam ký hiệp định thương mại; xử lý nghiêm những chủ thể sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt...

Hiện việc cấp, quản lý mã số mới chỉ chú trọng những mặt hàng phục vụ xuất khẩu, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, để được cấp mã số phải đạt điều kiện, tiêu chuẩn ra sao; việc được cấp mã số sẽ mang lại lợi ích gì... Từ đó, thay đổi nhận thức, hành vi của từng doanh nghiệp cũng như mỗi người nông dân, tạo dựng ý thức sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng, gắn với thương hiệu, uy tín.

Việc cấp mã số thường gắn với từng xã, phường nhất định. Vì thế, mỗi địa phương cần tìm ra sản phẩm chủ lực để cấp mã số - coi là mô hình điểm để nhân rộng và quảng bá tính hữu ích, thiết thực. Để việc triển khai quy củ, các địa phương cần duy trì nghiêm túc việc kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; mọi hành vi vi phạm nên được công khai, xử lý nghiêm minh.

Quản lý vùng nông nghiệp an toàn không chỉ mang lại lợi ích trước mắt, mà là xu thế tất yếu, cần triển khai trên diện rộng để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền tảng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.