(HNMO) - Trong 5 ngày diễn ra Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022, hơn 20.000 lượt người tới tham quan, mua sắm. Tổng doanh thu của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia trưng bày đạt hơn 6,6 tỷ đồng. Riêng hoạt động của sinh vật cảnh có doanh thu trên 3 tỷ đồng.
Nghệ nhân, làng nghề truyền thống thăng hoa
Chiều tối 18-12 là buổi cuối khép lại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022 nhưng ở tất cả các khu vẫn tấp nập, đông vui, thu hút hàng nghìn người dân Thủ đô đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm.
Anh Nguyễn Văn Tiến Anh, Phó Chủ tịch Hội Đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà, huyện Đông Anh chia sẻ: "Tham dự Festival lần này, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô các xu hướng đồ gỗ từ những mẫu cổ điển mang hồn cốt phương Đông đến các loại đồ gỗ được làm cách điệu. Qua tham khảo ý kiến của khách tham quan, sau Festival, chắc chắn đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà sẽ có nhiều đổi mới để bắt nhịp được với thị trường".
Còn nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, làng nghề sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín vui mừng chia sẻ: "Khi chúng tôi trưng bày sản phẩm sơn mài, từ mẫu mã truyền thống, đến các bức tranh phong cảnh nghệ thuật độc đáo, dát vàng… ai đến tham quan cũng dành tặng lời khen, rất nhiều mẫu trưng bày khách hỏi mua ngay tại gian hàng nhưng chúng tôi không đủ số lượng chuẩn bị sẵn nên khách hàng đều hẹn sẽ quay trở lại làng nghề thời gian gần nhất".
Vừa nhanh tay sắp xếp kệ hàng ngăn nắp, vừa giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, chị Nguyễn Thị Duyên, nhân viên marketing Công ty cổ phần phát triển Ong miền núi (quận Thanh Xuân) phấn khởi cho biết, gian hàng tại Festival của công ty luôn thu hút rất đông khách hàng đến tham quan, dùng thử và chọn mua sản phẩm.
Theo chị Duyên, do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được chú trọng nên trong 3 ngày qua, công ty bán rất chạy sản phẩm OCOP 4 sao là mật ong hoa bạc hà và sữa ong chúa tươi. Hy vọng, sau tham dự Festival, sản phẩm của Công ty cổ phần phát triển Ong miền núi sẽ “tiếng lành đồn xa”, tăng doanh số bán hàng và tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới.
Không chỉ được tham quan mua sắm, thưởng thức ẩm thực Hà thành ngon nức tiếng với bánh cuốn Thanh Trì, bánh tẻ Phú Nhi, bánh dày Quán Gánh, Giò chả Ước Lễ, chè lam Thạch Xá, chè kho Đại Đồng… khách hàng còn được đắm mình trong không gian nghệ thuật dân gian mà du khách khi đến với Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022 còn được “mục sở thị” quy trình, thao tác, tạo nên sản phẩm nghệ thuật đa dạng của các nghệ nhân và nhóm nghệ nhân ngành hàng thủ công, mỹ nghệ; đồng thời, khách hàng được các nghệ nhân, thợ giỏi “bắt tay chỉ việc” làm nên sản phẩm thủ công, đồ lưu niệm theo sở thích.
Chị Nguyễn Thị Phượng, quận Thanh Xuân được nhóm nghệ nhân Xuân Cường, nghệ sĩ tết dây Linh Macrame hướng dẫn làm vòng dây đeo cổ, vòng tay, hoa tai và một số sản phẩm khác trên các chất liệu sừng, sơn, tơ, chỉ màu thích thú chia sẻ: "Nhìn những sản phẩm thủ công đẹp, lạ, đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân hướng dẫn thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời".
Hay như nghệ nhân Lê Văn Nguyên biểu diễn thêu các sản phẩm quà tặng du lịch trong chương trình. Cùng với đó, nghệ nhân hướng dẫn khách hàng thêu 20 chiếc khăn với các mẫu đơn giản (5 khách trải nghiệm/lượt). Đồng hành còn có nhóm nghệ nhân Nguyễn Tiến Cường biểu diễn làm dép cao su (lốp xe). Khoảng 50 khách hàng đã được nghệ nhân hướng dẫn làm sản phẩm, sau khi hoàn thiện được mang dép về sử dụng…
Quảng bá thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô
Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022 đã quảng bá, giới thiệu hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tiêu biểu Thủ đô đến người dân, du khách trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Festival cũng là dịp vinh danh người sản xuất, nghệ nhân, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội.
Theo đại diện Ban tổ chức, Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022 có sự góp mặt của 273 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Trong đó, gồm 153 đơn vị của 27 quận, huyện, thị xã của Hà Nội; 92 đơn vị của 24 tỉnh, thành phố; 28 đơn vị, doanh nghiệp. Ngoài ra, tại sự kiện còn trưng bày khoảng 500 tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu của 15 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Festival đã mang đến trưng bày hơn 4.000 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề; vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ chuyển đổi số.
Riêng khu trưng bày sinh vật cảnh đã trưng bày khoảng hơn 1.000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, đá cảnh, gỗ lũa, tranh tượng dân gian, chim cảnh của hơn 300 nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, công tác tổ chức, sản phẩm trưng bày, triển lãm tại Festival được bố trí, thiết kế nhiều khu vực tiểu cảnh đẹp và phù hợp cho khách tham quan thưởng lãm, chụp ảnh.
Các sản phẩm trưng bày đều đáp ứng được tiêu chí vệ sinh an toàn và chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Công tác an ninh, trật tự vệ sinh, y tế, phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng phục vụ Festival được bảo đảm.
Các gian hàng, khu trưng bày được chuẩn bị công phu với hàng nghìn sản phẩm độc, lạ, chất lượng cao, các khu bài trí tiểu cảnh đẹp như: Gốm sứ, Cầu Long Biên, tiểu cảnh Chùa Một Cột. Khu trưng bày 120 bức ảnh đẹp và đặc sắc về nông nghiệp, nông thôn Hà Nội, trong đó có 20 bức ảnh đoạt giải trong cuộc thi “Một thoáng nông thôn mới” và trưng bày 35 tác phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội tham gia dự thi và đạt giải trong “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022” được bài trí khoa học, hấp dẫn, trở thành nơi check in chụp ảnh cho khách vào tham quan, mua sắm.
Với sự hào hứng, hài lòng của đông đảo khách tham quan Thủ đô cũng như của các cá nhân, tập thể tham dự Festival thực sự là một dấu ấn, một sự kiện quan trọng của ngành nông nghiệp Thủ đô cho một năm 2022 sắp khép lại, và chào đón năm 2023 với nhiều mục tiêu mới cần chinh phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.