(HNM) - Tại tọa đàm nhân kỷ niệm 20 năm internet vào Việt Nam do Hiệp hội Internet phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã chỉ ra những “bài toán” cần lời giải.
Cần sự cạnh tranh bình đẳng
Một vấn đề được đặt ra, đó là mô hình kinh doanh vận chuyển khách của hai hãng công nghệ Uber và Grab đang gây tranh cãi. Một bên là các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống (các hãng xe taxi) phải đăng ký giấy phép, chịu sự kiểm tra, giám sát và hoạt động theo các chế tài quy định và chịu nghĩa vụ nộp thuế; còn một bên là các hãng công nghệ, trụ sở đặt ở nước ngoài, không phải tuân thủ các chế tài...
Vậy, phải làm gì, bài học nào đặt ra cho các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp công nghệ nói riêng khi mà trước đó có không ít ý kiến cho rằng, nếu không có chính sách quản lý phù hợp, sau khi chiếm thị phần của taxi truyền thống, hai hãng công nghệ này sẽ độc quyền và thu giá cao? Thực tế có nhiều thời điểm, giá cước vận chuyển của xe công nghệ cao hơn so với taxi truyền thống.
Về vấn đề này, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần VNG, doanh nghiệp đứng đầu về nội dung số hiện nay cho rằng, đây là vấn đề của nhiều nước trên thế giới và cách để “đối phó” chính là cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục gỡ bỏ các rào cản cho doanh nghiệp nói chung và internet nói riêng.
Còn ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho rằng, lĩnh vực nội dung số là “lãnh địa” quan trọng trên internet mà các doanh nghiệp trong nước giữ được (chiếm 45-50% thị phần) khi mà các lĩnh vực khác như tìm kiếm (search), thư điện tử (email)… thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp tháo gỡ bằng các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, tránh để tình trạng “bảo hộ ngược” như hiện nay.
Quan điểm về xây dựng chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng cũng đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn khẳng định trong bài phát biểu khai mạc và trả lời trong phần tọa đàm. Theo Bộ trưởng, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT-TT sẽ tìm cách để có chính sách cởi mở hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài...
Hoàn thiện hạ tầng 4G
Có thể nói rằng, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của internet tại Việt Nam như hiện nay cần ghi nhận sự phát triển vượt bậc của hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, mà tiêu biểu là nỗ lực cung cấp dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được một hạ tầng hiện đại.
Cụ thể, Việt Nam hiện có 2 vệ tinh viễn thông (VINASAT-1 và 2) cung cấp các dịch vụ viễn thông, truyền hình; đã kết nối với nhiều tuyến cáp quang biển quốc tế: AAG, SMW3, IA, APG và AAE-1; có hàng triệu kilômét cáp quang kết nối đến các xã, phường trong cả nước; 150.000 trạm thu phát sóng 2G, 3G, 4G phủ sóng cả nước, gồm cả vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo. Tỷ lệ người dùng di động đạt gần 120 triệu thuê bao (hơn 30 triệu là thuê bao băng rộng di động); 64 triệu thuê bao internet (tương ứng 67% số dân). Việt Nam hiện có hơn 400.000 tên miền “.vn”, khẳng định thành tựu phát triển mạnh của internet…
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, là nhà cung cấp hạ tầng lớn nhất, VNPT muốn tạo ra hạ tầng tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển trên nền internet. Còn ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam và khu vực Đông Dương thì phân tích, internet di động đang là xu hướng chính, do vậy sự phát triển của hạ tầng di động, cụ thể là hạ tầng 4G sẽ đóng vai trò quan trọng để Việt Nam tiến đến Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển nền kinh tế số. Hạ tầng mạng 4G ở Việt Nam đang phát triển nhanh, song các nhà mạng vẫn còn nhiều việc phải làm như hoàn thiện hạ tầng, cải thiện chất lượng và tốc độ 4G…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.