Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá mới

Thế Văn| 08/09/2021 06:07

(HNM) - Công nghiệp chế biến có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông lâm thủy sản. Tăng cường năng lực chế biến không chỉ là đáp án cho bài toán “được mùa, mất giá”, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh…, mà còn gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có bước phát triển đáng khích lệ. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, năng lực chế biến còn một khoảng cách khá xa so với đòi hỏi từ thực tế sản xuất. Tình trạng dư thừa nông sản cục bộ tại nhiều vùng chuyên canh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã phần nào cho thấy điều này.

Ở điểm nhìn khác, theo các nghiên cứu thị trường, sản phẩm chế biến sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong tiêu dùng lương thực, thực phẩm những năm tới, trước hết bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản. Do vậy, việc đầu tư vào công nghiệp chế biến không chỉ làm gia tăng lượng sản phẩm tiêu thụ nội địa mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây cũng là giải pháp căn cơ trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã nêu rõ việc khắc phục những tồn tại và bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu của thương mại nông sản toàn cầu.

Nông nghiệp Hà Nội cũng xác định, phấn đấu đến năm 2025 có 50% cơ sở sơ chế, chế biến nông sản sử dụng trang thiết bị hiện đại, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến… và đến năm 2030, thành phố sẽ hình thành 15 khu chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.  

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, trước hết, nông nghiệp Thủ đô cần cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng gắn với các vùng nguyên liệu tập trung; đồng thời cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương, gắn với nhu cầu thị trường.  

Cùng với đó là tăng cường các giải pháp thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao khả năng cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đặc biệt là ổn định nguồn hàng. Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố và địa phương tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thu hút những doanh nghiệp có năng lực về nguồn vốn, công nghệ, thị trường… đầu tư vào lĩnh vực này để dẫn dắt các chuỗi liên kết hoạt động một cách hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Đồng thời cần tăng cường các hoạt động giám sát từ quá trình sản xuất, thu hoạch đến bảo quản, chế biến…, qua đó, quản lý chặt chẽ chất lượng nông sản. Đặc biệt, Sở NN&PTNT cần tham mưu với thành phố sớm triển khai một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định "một cửa" hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Triển khai đồng bộ các giải pháp, chắc chắn ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tạo được đột phá mới, từ đó giải quyết những tồn tại trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm chế biến nông sản của khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.