Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đà chuyển biến trong thi hành án dân sự

Bách Sen| 09/10/2022 06:59

(HNM) - Trong 9 tháng năm 2022, với tinh thần trách nhiệm cao, toàn hệ thống thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành án linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương. Qua đó, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra và tạo đà chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự…

Hai đối tượng cầm đầu vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương đã thi hành án dân sự được 1.699/3.100 tỷ đồng.

Thông tin về công tác thi hành án 9 tháng qua, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, toàn hệ thống đã thi hành xong 348.490 việc, tương ứng với trên 52.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 64,35% về việc, 29,47% về tiền (tăng 0,42% về việc, 6,16% về tiền so với cùng kỳ năm 2021). Thu hồi được trên 80.118 tỷ đồng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đối với các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, đang tiếp tục tổ chức thi hành 54 vụ việc tương ứng với hơn 129.000 tỷ đồng.

Liên quan các vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm, điển hình là vụ án đường dây đánh bạc của Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết, theo bản án phúc thẩm, Phan Sào Nam phải thi hành tổng số tiền 1.445 tỷ đồng. Hiện nay, phạm nhân này đã thi hành phần dân sự với số tiền là 1.384 tỷ đồng. Đối với Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) lĩnh 10 năm tù về các tội tổ chức đánh bạc, rửa tiền, việc thi hành án đang gặp khó khăn. Theo đó, Nguyễn Văn Dương bị buộc phải thi hành án dân sự với số tiền 1.655 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được 315 tỷ đồng. "Nguyễn Văn Dương có một số tài sản để bảo đảm thi hành ở Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan thi hành án đã tìm ra và đang xử lý. Bước đầu thấy, tài sản bảo đảm thi hành án không còn nhiều, nhưng nghĩa vụ thi hành án còn rất lớn. Do đó, cơ quan thi hành án các cấp đã tích cực thực hiện quy trình thi hành án để bảo đảm thu hồi tài sản", ông Nguyễn Thắng Lợi nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố đã làm tốt công tác tham mưu UBND thành phố tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt công tác thi hành án. Từ đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vụ việc có liên quan đến tổ chức tín dụng; những vụ việc tồn đọng kéo dài. Nhờ đó, công tác thi hành án dân sự đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái đánh giá, với con số hàng mấy chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó, riêng 9 tháng năm 2022, đã thi hành xong trên 348.000 việc tương ứng với trên 52.000 tỷ đồng, cho thấy hoạt động thi hành án có sự nỗ lực rất lớn. Qua đó, giải phóng các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế từ hoạt động thu hồi nợ, giảm nợ xấu, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua việc xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật… Thời gian tới, công tác kiểm tra từ Tổng cục xuống các Cục Thi hành án và Chi cục sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên tinh thần hết sức chặt chẽ, nghiêm khắc, nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống thi hành án dân sự, kịp thời phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm để chấn chỉnh, không để phát sinh hậu quả. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của cơ sở về những bất cập trong các quy định pháp luật thi hành án dân sự, từ đó đề xuất phương án hoàn thiện thể chế.

Riêng đối với một số địa phương kết quả còn thấp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi yêu cầu công tác cán bộ của hệ thống thi hành án dân sự phải được quan tâm, đầu tư hơn nữa; triển khai đầy đủ các nghị quyết của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về thi hành án giai đoạn 2022-2026. Các đồng chí cục trưởng cần rà soát, đánh giá lại, đề ra giải pháp, đổi mới những phương thức trong chỉ đạo điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, cụ thể, rõ ràng hơn, phân công rõ người, rõ việc, từ đó tạo đà chuyển biến tích cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà chuyển biến trong thi hành án dân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.