Những tháng đầu năm 2024, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác thi hành án dân sự của các tỉnh, thành phố trên cả nước được đẩy mạnh.
So với cùng kỳ năm 2023, hiệu quả thi hành án tham nhũng, kinh tế lớn có nhiều điểm sáng với những chuyển biến đáng ghi nhận. Trước khối lượng công việc lớn, phức tạp, ngành Thi hành án dân sự đang triển khai các giải pháp tổng thể, linh hoạt.
Thu hồi hơn 10.000 tỷ đồng án tham nhũng, kinh tế
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thắng Lợi cho biết, 6 tháng qua, toàn ngành đã thi hành xong trên 242.300 việc và gần 47.600 tỷ đồng. Trong đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo. Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 1.177 việc, với hơn 10.000 tỷ đồng.
Mặc dù đạt kết quả cao, song theo Tổng cục Thi hành án dân sự, những tháng đầu năm 2024, loại án này có xu hướng tăng cả về số việc và số tiền. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa phương có số lượng vụ việc phải thu hồi tài sản cao nhất cả nước, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của toàn hệ thống thi hành án. Tuy nhiên, đây cũng là 2 địa phương có số vụ phức tạp phải thi hành án nhiều nhất. Hầu hết các vụ án lớn, tài sản liên quan nằm rải rác ở các địa phương trên phạm vi cả nước. Nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian để làm rõ. Có trường hợp cần xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản của người phạm tội và của người ngay tình đến mức nào… Do vậy, những tháng còn lại của năm nay sẽ tạo áp lực lớn trong việc thực hiện chỉ tiêu được giao.
Về án hành chính, từ đầu năm đến trung tuần tháng 4-2024, tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự gần 1.400 bản án hành chính. Các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 400 việc và đang tiếp tục thi hành 979 bản án (trong đó, số bản án có quyết định buộc thi hành của tòa án là 374 bản án, số bản án chưa có quyết định buộc thi hành của tòa án là 605 bản án).
Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng (không bao gồm ủy thác thi hành án, số chưa có điều kiện đã chuyển sổ theo dõi riêng) tăng cả về việc và tiền. Tổng số việc phải thi hành là 42.920 việc với hơn 173.033 tỷ đồng. Cho đến nay, đã thi hành xong 2.278 việc và thi hành xong về tiền là hơn 12.802 tỷ đồng.
Tăng nhân sự cho nơi khó khăn
Trong bối cảnh khối lượng công việc thi hành án tăng đột biến với hàng loạt đại án (Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh, chuyến bay giải cứu, Việt Á…) có khối lượng tài sản rất lớn bị kê biên, đã và đang được đưa ra xét xử, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái cho biết, ngoài những giải pháp mang tính lâu dài như xây dựng Luật Thi hành án dân sự, tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Đất đai… Tổng cục Thi hành án dân sự đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp trước mắt. Điển hình là tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành từ Tổng cục, Cục Thi hành án đến các Chi cục Thi hành án dân sự theo hướng sâu sát, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm.
Tổng cục đã tham mưu Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; thường xuyên phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các bộ, ngành, địa phương trong hoàn thiện thể chế, pháp luật, thống nhất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành một số vụ việc phức tạp. Cùng với đó là làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND cấp tỉnh để cùng phối hợp, tập trung giải quyết, nhất là những vụ việc lớn, ở địa bàn trọng điểm.
Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát có quy mô lớn nhất từ trước đến nay (án sơ thẩm tuyên bà Trương Mỹ Lan phải bồi thường gần 674.000 tỷ đồng cho Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB), đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho hay, ngay từ giai đoạn cơ quan điều tra truy tố, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự kiểm tra, rà soát toàn bộ tài sản chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự để bảo đảm cho quá trình thi hành án sau này. “Tổng cục đã chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương, tới đây là Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch chi tiết, tăng cường nguồn lực, cử cán bộ hướng dẫn thi hành án để ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật sẽ được thi hành đúng quy định pháp luật”, ông Nguyễn Thắng Lợi khẳng định.
Về việc thu hồi tài sản ở nước ngoài, ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết, việc kê biên tài sản được thực hiện trong giai đoạn tố tụng, Bộ Tư pháp tích cực phối hợp với các cơ quan, để thực hiện nhiệm vụ sau khi bản án có hiệu lực. Việc thu hồi tài sản bị chuyển ra nước ngoài thực hiện theo các hiệp định hỗ trợ tư pháp hoặc trên cơ sở có đi có lại giữa các nước.
Tương tự, với vụ FLC, Tân Hoàng Minh, chuyến bay giải cứu, Việt Á… Tổng cục Thi hành án dân sự đều có các biện pháp bố trí nguồn lực phù hợp, kể cả linh hoạt điều động cán bộ từ nơi ít khó khăn đến nơi có nhiều khó khăn... với đích đến là đạt kết quả thi hành án cao nhất, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.