Pháp luật

Tăng tốc thi hành án dân sự

Hà Phong 19/02/2024 - 06:57

Công tác thi hành án dân sự trong năm 2023 đã đạt kết quả nổi bật, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi toàn hệ thống thi hành án dân sự cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm 2024, để công lý được thực thi, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được bảo đảm.

cac-chap-hanh-vien-chi-cuc-.jpg
Các chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) xác minh tài sản khi thực hiện cưỡng chế.

Số lượng án phải thi hành cao

Năm 2023, mặc dù lượng việc, lượng tiền phải thụ lý tăng cao so với năm 2022 nhưng các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong, đạt tỷ lệ 82,97% về việc, 46,08% về tiền, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cùng với đó, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo và thực hiện đạt 2.264 việc, tương ứng với hơn 20.405 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm 2022.

Cũng trong năm 2023, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 582/1.375 bản án (tăng 153 bản án so với năm 2022); đang tiếp tục thi hành 776 bản án, chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2022 và 2023.

Mặc dù vậy, nhìn tổng thể, hạn chế nổi lên là số bản án chuyển kỳ sau còn nhiều (trên 300.000 việc); việc chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong hệ thống thi hành án dân sự còn chậm trễ... Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quang Thái cho rằng, về nguyên nhân chủ quan, vẫn còn một số chấp hành viên trình độ chuyên môn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, có trường hợp vi phạm kỷ luật bị xử lý. Bên cạnh đó, hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan có liên quan có lúc, có việc còn chậm. Về nguyên nhân khách quan, nổi lên là số lượng việc, tiền phát sinh tăng (năm 2023 tăng gần 90 nghìn việc, trên 34 nghìn tỷ đồng so với năm 2022), trong khi biên chế, số lượng chấp hành viên giảm hơn 100 biên chế.

Đáng lưu ý, số lượng việc được xác định chưa có điều kiện thi hành án là trên 200 nghìn việc (chiếm hơn 62% tổng số chuyển kỳ sau), nhưng cơ quan thi hành án dân sự không thể trả đơn hay làm thủ tục xét miễn do chưa đủ điều kiện miễn, giảm theo Luật Thi hành án dân sự (đối với khoản thu ngân sách nhà nước). Theo quy định, các vụ việc chưa có điều kiện thi hành án gồm: Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu và không có tài sản để thi hành án; chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án;...

Ở các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có các vụ việc giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, tài sản phải xử lý nhiều, chủ yếu là quyền sử dụng đất, nhưng đang có tranh chấp hoặc vướng mắc về pháp luật.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Để giải quyết khó khăn, tồn đọng, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Tư pháp đã cho ý kiến, xử lý các vấn đề liên quan đến ngành, chú trọng công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương trong thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự; đặc biệt, nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tín dụng, ngân hàng, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Trước việc từ ngày 5-3 đến 29-4-2024, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong “đại án” Vạn Thịnh Phát, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phải đặc biệt lưu tâm, chủ động vào cuộc. “Cần mường tượng trước được các vụ việc, các khối tài sản nằm ở đâu. Nếu có chủ trương về việc xử lý tài sản, vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì càng phải vào cuộc sớm, nếu không toàn bộ gánh nặng dồn hết vào thi hành án dân sự, vốn ở khâu cuối cùng”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Đối với những khó khăn về thể chế, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự đang khẩn trương tổng kết, tham mưu sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với 5 nhóm chính sách lớn. Trong đó, sẽ tập trung đột phá vào thủ tục thi hành án, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm chi phí. Đồng thời, tính toán kỹ lưỡng hướng xử lý đối với loại án chưa có điều kiện thi hành án, không để tình trạng như hiện nay là án không có điều kiện nhưng vẫn phải theo dõi, xác minh.

Với mong muốn thi hành án tăng tốc, bứt phá ngay từ những tháng đầu năm 2024, Bộ Tư pháp sẽ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngành Tư pháp cũng kịp thời kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan thi hành án dân sự, tập trung vào những địa bàn, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, để xảy ra vi phạm; tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, hành vi tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc thi hành án dân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.