(HNM) - Ngay trong những ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính, đồng thời nắm bắt tình hình công nhân lao động tại một số Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp. Nhìn chung, công nhân lao động quay trở lại làm việc khai xuân trong không khí phấn khởi, doanh nghiệp “tăng tốc” sản xuất kinh doanh ngay từ những ngày đầu năm mới.
Khí thế làm việc sôi nổi
Từ mùng 4 Tết Quý Mão (ngày 25-1), không khí sản xuất đã rộn ràng tại Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu - doanh nghiệp cung cấp các mặt hàng chủ lực là phụ tùng xe máy, ô tô cho các hãng lớn trong nước và các mặt hàng cơ khí chính xác xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ. Đơn hàng xuất khẩu đầu tiên suôn sẻ ngay trong những ngày đầu năm đã lan tỏa tinh thần lao động hăng say đến từng dây chuyền sản xuất và người lao động.
Từ mùng 6 Tết (ngày 27-1), theo ông Nguyễn Ngọc Chung, Tổng Giám đốc công ty, hơn 1.000 công nhân đã đi làm đầy đủ và được mừng tuổi đầu xuân với mức 500.000 đồng/người.
Tương tự, ngay sau Tết Quý Mão, hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam - Vietfoods đã sôi động. Ngay từ ngày làm việc đầu tiên, người lao động đã tích cực hưởng ứng việc đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao mừng Đảng, mừng xuân mới. Chị Nguyễn Thị Lý làm công nhân tại đây năm thứ 8, bày tỏ niềm vui vì công ty luôn có nhiều đơn hàng, các dây chuyền sản xuất vận hành liên tục, người lao động có việc ổn định, thu nhập bình quân đạt 10-14 triệu đồng/tháng.
So với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn hơn do đơn hàng giảm. Ngày 30-1, Công ty cổ phần Dệt may Supertex chuyên sản xuất tất xuất khẩu mới khai xuân nhưng đã có 98% công nhân trở lại nhà máy.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Supertex Lê Đại Quảng cho biết, trước kỳ nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp lo ngại người lao động sẽ không quay trở lại làm việc, nhưng ngày khai xuân, công nhân công ty đã có mặt đầy đủ và làm việc hào hứng. May mắn, kế hoạch sản xuất trong tháng 1 và tháng 2 bảo đảm đủ việc làm cho người lao động nên ai nấy thêm tin tưởng, hào hứng bắt tay ngay vào việc.
Trên địa bàn huyện Thường Tín, hầu hết doanh nghiệp bắt đầu trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh từ ngày 27-1 (mùng 6 Tết). Một số đơn vị do yêu cầu công việc đặc thù nên người lao động bắt tay làm việc ngay từ ngày 26-1 (mùng 5 Tết) như: Công ty Coca Cola, Công ty Tân Phương Đông, Công ty Green Chicken…
Tình hình quan hệ lao động ổn định
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tính đến ngày 30-1 (tức mùng 9 Tết Nguyên đán), có 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng sản xuất với 97,8% số lao động trở lại làm việc. Tại các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, tư tưởng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động ổn định, các ca trực luôn hăng hái sản xuất bảo đảm số lượng sản phẩm đạt kế hoạch đề ra.
Kiểm tra tại huyện Thạch Thất, hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều tổ chức khai xuân vào ngày 27-1 với 90% công nhân, viên chức, lao động trở lại làm việc bảo đảm đúng thời gian quy định. Số còn lại khai xuân vào ngày 29-1, không có tình trạng công nhân lao động bị doanh nghiệp cho nghỉ việc sau Tết.
Khái quát về tình hình chung của công nhân lao động trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Công Kỷ cho biết, việc nắm bắt tư tưởng đoàn viên, công nhân lao động dịp Tết được triển khai đồng bộ, kịp thời. Nhờ vậy, Công đoàn đã nhanh chóng xử lý các khúc mắc phát sinh trong quan hệ lao động. Dịp Tết này, không có hiện tượng đình công, lãn công tập thể.
“Có thể nói đây là niềm vui lớn, thể hiện rõ nét vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”, ông Nguyễn Công Kỷ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh, sau Tết, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tập trung bảo đảm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh. Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn Thủ đô phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, chính quyền đồng cấp chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời tham mưu, báo cáo với cấp ủy, chính quyền; tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường; phát triển kinh tế, doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tạo việc làm, bảo đảm thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Mặt khác, tiếp tục rà soát, làm hồ sơ hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn do bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên, người lao động, tiếp thêm động lực để hướng đến năm 2023 có nhiều niềm vui hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.