Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Lam Giang| 01/08/2021 07:07

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mua sắm trực tuyến “lên ngôi” với nhiều tiện lợi song cũng phát sinh những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Thực tế này đòi hỏi không chỉ các cơ quan chức năng cần tăng cường giải pháp ngăn chặn, xử lý, mà người tiêu dùng cũng cần hết sức cẩn trọng, cảnh giác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Khách mua hàng trực tuyến khi nhận hàng cần kiểm tra để bảo vệ quyền lợi của mình. Ảnh: Vĩnh Hà

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Hoàng Thùy Linh (ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) đã chuyển hẳn sang mua sắm trực tuyến. Tuần trước đặt mua 1 đôi giày trên một tài khoản Facebook với giá gần 700.000 đồng, khi nhận hàng, chị phát hiện đôi giày khác xa với sản phẩm đã đặt. Nhanh chóng liên hệ với bên giao hàng để trả lại, chị Linh không được đồng ý. Khi liên hệ với bên bán hàng, chị bị chặn số không thể liên lạc.

Trường hợp của chị Linh tương tự với các phản ánh, khiếu nại liên quan tới các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong mua sắm trực tuyến, mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thường xuyên nhận được thời gian qua. Theo đó, phổ biến là hành vi đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng đơn hàng bị hủy không rõ lý do, sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng đã đặt nhưng có vấn đề về chất lượng, giấy tờ giao dịch. Bên cạnh đó là tình trạng người tiêu dùng bị hủy đơn hàng tự động với lý do “người giao hàng không liên hệ được người mua”, mà thực tế người tiêu dùng không nhận được liên hệ nào của bên giao hàng. Ngoài ra là tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng... Khi có nhu cầu đổi, trả hàng, nhiều người tiêu dùng bị từ chối hoặc kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại.

 Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, thương mại điện tử mang đến nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng song cũng bộc lộ những mặt trái. Hiện nay, mặc dù đã có các quy định về thương mại điện tử, các nghị định hướng dẫn, tuy nhiên, pháp luật không phủ sóng hết được. Trong khi đó, những người kinh doanh gian lận thường tìm những kẽ hở để khai thác. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước cần được tăng cường hơn nữa.

Hiện nay, có tình trạng hàng hóa bán trên các trang mạng xã hội chưa được cấp phép hoặc không có pháp nhân tại Việt Nam, không kiểm tra được thông tin người bán hoặc thông tin về giá cả, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa… dẫn đến việc người mua nhận phải hàng kém chất lượng, không có hóa đơn chứng từ… Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua hàng từ các website, sàn thương mại điện tử uy tín được xác nhận thông tin tại địa chỉ: http://online.gov.vn. Còn Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú chia sẻ, khi mua hàng trực tuyến, khách hàng cần lựa chọn các nhà bán hàng uy tín và tham khảo kỹ phần đánh giá, nhận xét sản phẩm từ những người mua trước. Lazada Việt Nam cung cấp tính năng theo dõi “tình trạng đơn hàng” trên ứng dụng và thông qua email mà khách hàng đăng ký, nhằm giúp khách hàng nắm bắt rõ tình trạng xử lý đơn hàng, đồng thời có thể đề phòng những trường hợp gian lận.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, đơn vị này thường xuyên tổng hợp, phân tích thông tin để đưa ra các cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng trong giao dịch mua sắm, đặc biệt là mua sắm trực tuyến trong mùa dịch. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Để đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê cho hay, Tổng cục đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt là hoạt động kinh doanh các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh, các hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Để tự bảo vệ mình, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý, người tiêu dùng cần nhanh chóng phản ánh và yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh giải quyết các yêu cầu khi nhận thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Trường hợp không được giải quyết thỏa đáng, cần sớm liên hệ với các cơ quan tổ chức có trách nhiệm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.