Thị trường

Thêm nhiều quy định mới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thanh Hiền

Bổ sung nhiều quy định mới bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số...

5-11-anhtaphuan-2-.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Nguyễn Quỳnh Anh phát biểu. Ảnh: Thanh Hiền

Sáng 5-11, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn quy định mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) khu vực miền Bắc.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Nguyễn Quỳnh Anh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 20-6-2023, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.

Luật gồm 7 chương và 80 điều, trong đó nhiều quy định tại các văn bản dưới luật, cùng với xu hướng mới trong kinh doanh và tiêu dùng trên thực tiễn đã được rà soát, cập nhật vào luật.

Trong đó, đáng chú ý là quy định bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quy định về người có ảnh hưởng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, giao dịch đặc thù, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số...

Cũng theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, các nội dung quan trọng về đối tượng áp dụng, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, trách nhiệm và hành vi bị cấm của doanh nghiệp, cơ chế giải quyết tranh chấp, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến từng cấp ở địa phương cũng đã được sửa đổi, hoàn thiện.

Tại hội nghị, các diễn giả đã chia sẻ, trao đổi, làm rõ quy định, cách thức thực hiện, trên cơ sở đó có thể áp dụng hiệu quả trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại đơn vị, địa phương.

Đến thời điểm hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã cơ bản hoàn thiện. Các cơ quan thẩm quyền cần tập trung triển khai, đưa luật vào cuộc sống, khắc phục bất cập ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm nhiều quy định mới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.